Điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 về bầu Chủ tịch trong Công ty TNHH hai thành viên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là loại hình doanh nghiệp rất phổ biến và được nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn thành lập tại Việt Nam.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty này cũng là vị trí quan trọng được bầu từ các thành viên Hội đồng thành viên. Tuy nhiên trong khoảng thời gian Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, việc bầu chức danh này trên thực tế lại gặp không ít rắc rối vì vướng câu chữ của điều luật, đặc biệt khi mà tất cả các thành viên công ty đều là tổ chức.

Theo Luật Doanh nghiệp 2014 thành viên là tổ chức không thể giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên

Công ty TNHH hai thành viên trở lên là loại hình công ty có cơ cấu tổ chức khá đơn giản, bao gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc. Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên công ty(thành viên cá nhân và thành viên tổ chức), là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty. Chủ tịch Hội đồng thành viên là cá nhân do Hội đồng thành viên bầu ra trong số các thành viên của Hội đồng thành viên, có quyền thay mặt Hội đồng thành viên ký các nghị quyết của Hội đồng thành viên.

Từ những quy định này, có thể hiểu rằng mặc dù Hội đồng thành viên công ty có thể bao gồm thành viên là tổ chức và thành viên là cá nhân, nhưng chỉ có thành viên là cá nhân mới có thể được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, còn thành viên là tổ chức do không đáp ứng yêu cầu về chủ thể (không phải lá cá nhân) nên không thể được bầu là Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Như vậy, trong một công ty TNHH hai thành viên có một thành viên là cá nhân A chỉ chiếm 10% vốn điều lệ, thành viên còn lại là tổ chức B chiếm 90% vốn điều lệ, theo quy định trên vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên đương nhiên sẽ do thành viên A đảm nhiệm. Còn thành viên B không thể tác động do không đáp ứng yêu cầu về chủ thể.

Chưa kể đến trong Công ty nếu tất cả các thành viên đều là tổ chức, việc bầu cá nhân giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên dường như là không thể thực hiện được khi căn cứ vào quy định như trên của Luật Doanh nghiệp 2014.

Tuy nhiên, trên thực tế hiếm có Công ty nào lại đi theo cách hiểu cứng nhắc như trên, mà họ linh động theo hướng đối với các thành viên là tổ chức, thì những người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức này tại công ty TNHH sẽ thay mặt tổ chức tham gia việc quản lý, điều hành, biểu quyết các vấn đề trong Công ty TNHH và sẽ là ứng cử viên được bầu vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Cách hiểu như vậy mặc dù giải quyết được bất cập và phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, nhưng vẫn còn những lấn cấn về khía cạnh pháp lý. Vì trong quan hệ đại diện theo uỷ quyền, bản chất người đại diện theo uỷ quyền hành động không nhân danh chính họ, mà nhân danh người uỷ quyền. Trong khi đó, chức vụ chủ tịch Hội đồng thành viên lại là chức vụ dành cho cá nhân, không phải cho tổ chức.

Luật Doanh nghiệp 2020 ghi nhận đại diện theo uỷ quyền của thành viên là tổ chức có thể giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị

Luật Doanh nghiệp 2020 có thay đổi căn bản khi nhìn nhận về vị trí thành viên Hội đồng thành viên, có sự phân biệt giữa thành viên công ty và thành viên Hội đồng thành viên, thành viên công ty không còn đương nhiên là thành viên Hội đồng thành viên.

Cụthể, khoản 1 Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2020 nêu rõ Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức.

Theo đó, trong mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên, thành viên là tổ chức là thành viên của công ty, nhưng không được coi là thành viên của Hội đồng thành viên. Họ sẽ cử (các) đại diện theo uỷ quyền tham gia vào Hội đồng thành viên. Người đại diện theo uỷ quyền này và các thành viên là cá nhân sẽ hợp thành Hội đồng thành viên, tất cả thành viên của Hội đồng thành viên đều sẽ là cá nhân. Sau đó, Hội đồng thành viên sẽ bầu một người trong số họ nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ví dụ trong Công ty TNHH X có thành viên cá nhân A và thành viên tổ chức B. Tổ chức B uỷ quyền cho cá nhân C đại diện mình tham gia các hoạt động, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình tại Công ty X. Như vậy, A và B là các thành viên công ty X, còn Hội đồng thành viên của Công ty X lúc này bao gồm A và C (thay vì là A và B như trước kia). Chức vụ Chủ tịch hội đồng thành viên sẽ do A hoặc C nắm giữ.

Việc quy định rõ ràng hơn đã giúp cho các doanh nghiệp không băn khoăn trong việc xác định chủ thể nào là thành viên Côngty và thành viên Hội đồng thành viên. Việc bầu Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng trở nên phù hợp với thực tiễn đang diễn ra, cũng như với nhu cầu quản trị của doanh nghiệp và xét trong mối tương quan với các điều khoản khác. Chẳng hạn khoản24Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thành viên Hội đồng thành viên là một trong những chức danh quản lý doanh nghiệp (người quản lý doanh nghiệp). Vì vậy, chức danh này chỉ có thể dành cho cá nhân đảm nhận.

Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của cá nhân tác giả và không có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào”

Luật sư Tô Hồng Dung – Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục