Kỷ lục xuất nhập khẩu 700 tỷ USD được xác lập

Mốc 700 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu đã được thiết lập tính đến giữa tháng 12/2022. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục là cường quốc trong top 30 về thương mại toàn cầu.
Xuất khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đạt kim ngạch cao trong 11 tháng của năm 2022

Dấu mốc mới trên bản đồ thương mại toàn cầu

Dù đơn hàng những tháng cuối năm sụt giảm, lại rơi vào những ngành hàng chủ lực quy mô vài chục tỷ USD mỗi năm, như điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép…, nhưng không làm giảm thành tích vượt trội về xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong năm 2022.

Hết tháng 11, xuất khẩu đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021. Với quy mô kim ngạch đạt bình quân hơn 61 tỷ USD/tháng, tính đến giữa tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chạm 700 tỷ USD, ghi một dấu mốc mới của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Không chỉ thiết lập kỷ lục, dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận sự tăng trưởng khá đồng đều ở các ngành hàng, lĩnh vực và dấu ấn tại các thị trường chủ lực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang hầu hết thị trường quan trọng qua 11 tháng duy trì ở mức hai con số: thị trường Mỹ tăng 18%; EU tăng 21%; Nhật Bản tăng 21,2%; Hàn Quốc tăng 13,4%, ASEAN tăng 19,3%...

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, liên tiếp đạt các mốc kỷ lục. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương, nếu như tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2007 mới đạt 100 tỷ USD, thì đến tháng 12/2017 đã nâng lên 400 tỷ USD; cuối năm 2019 vượt 500 tỷ USD và cuối năm 2021 vượt 668 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2022, trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 730 - 735 tỷ USD.

Vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng của Việt Nam đối với Mỹ cũng được ông Alex Tatsis, Trưởng phòng Kinh tế, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM khẳng định tại Diễn đàn Xuất khẩu 2022 mới đây.

“Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ trên toàn cầu và là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng những hàng hóa thiết yếu cho Mỹ. Các liên kết chuỗi cung ứng của Mỹ với Việt Nam không phải chỉ diễn ra một chiều. Việt Nam xuất đi Mỹ hàng trăm tỷ USD hàng điện thoại, máy tính, hàng dệt may…, nhập trở lại chip máy tính, gỗ, bông, thức ăn chăn nuôi để phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu”, ông Alex Tatsis nói.

Với thị trường Trung Quốc, dù vẫn chịu ảnh hưởng của Covid-19, nhưng gần 53 tỷ USD hàng hóa đã được xuất khẩu thành công sau 11 tháng, mức tăng dù chỉ 1 con số, nhưng do lượng hàng xuất khẩu lớn, đã đóng góp quan trọng vào con số tăng trưởng chung 13,4%. Trong điều kiện thương mại thắt chặt bởi chính sách chống dịch zero-Covid của Trung Quốc, vẫn có nhiều tin vui khi thị trường này mở cửa cho một loạt nông sản như sầu riêng, chanh leo, tổ yến, khoai lang… từ Việt Nam.

Có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sau 11 tháng. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều ngành hàng trên 10 tỷ USD cũng tăng 2 con số. Hàng dệt và may mặc tăng 18,5%; giày dép các loại tăng 39,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 27,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 23,3%.

Xuất siêu cả năm sẽ vượt 10 tỷ USD

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhẹ khi thương mại toàn cầu chậm lại, nhưng trong 3 trụ cột: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, thì kênh xuất khẩu vẫn là điểm sáng. Không những vậy, cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, nhờ đó giúp đảm bảo các cân đối lớn cho nền kinh tế.

Tổng cục Hải quan dự báo, năm 2022, mức xuất siêu của cả nước sẽ đạt trên 10 tỷ USD.

Đặc biệt, thứ hạng thương mại của Việt Nam liên tục được cải thiện trong những năm qua. Theo xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Trong khi thứ hạng của các nước ASEAN hầu như không tăng trong vài năm gần đây, thì Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Cụ thể, năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp vị trí thứ 20 trên thế giới.

Đáng chú ý, việc khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng xuất khẩu, hưởng ưu đãi thuế quan cũng diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong đó, thị trường Liên minh châu Âu (EU) có mức tăng 21% so với cùng kỳ, đạt 43,5 tỷ USD nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tại một sự kiện cuối tuần qua, đánh giá hiệu quả tận dụng EVFTA, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) khẳng định, EVFTA là cú hích tạo nên thành tích xuất khẩu của ngành nhìn ở cả con số tăng trưởng, gia tăng thị phần và hưởng ưu đãi. 11 tháng qua, xuất khẩu giày dép đạt gần 22,2 tỷ USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2021

Trước khi EVFTA có hiệu lực, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU chiếm vào khoảng 22 - 23%, sau 2 năm đã tăng lên 26%. 9 tháng năm 2022, mức độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đạt 15% so với cùng kỳ năm 2021 và quan trọng hơn là từ tháng 8/2020 đến nay, gần 9 tỷ USD từ xuất khẩu giày dép đã được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục