Kỷ luật tài chính chưa nghiêm do chưa xử lý vi phạm

Tình trạng chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách vẫn chưa nghiêm túc dẫn tới thất thoát, lãng phí, sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước kém hiệu quả, theo ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, là do chưa xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, sai phạm.

Với 91,53% số đại biểu tán thành, Quốc hội vừa thông qua quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017. Thưa ông, cũng giống như các kỳ họp trước, Quốc hội đã thông qua quyết toán với tỷ lệ đồng ý gần như tuyệt đối?

Việc Quốc hội thông qua quyết toán NSNN với số phiếu gần như tuyệt đối cũng là điều dễ hiểu vì báo cáo quyết toán không chỉ được Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra rất kỹ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến, mà báo cáo này cũng đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và gửi đến từng đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Kỷ luật tài chính chưa nghiêm do chưa xử lý vi phạm ảnh 1

Ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Tuy nhiên, khác với những lần quyết toán NSNN trước đây, lần này, sau khi tôi và nhiều đại biểu Quốc hội nhiều lần đề nghị, trong báo cáo quyết toán, Chính phủ không những phải chỉ ra những thiếu sót, vi phạm, hạn chế trong quản lý, sử dụng, điều hành ngân sách, mà còn phải chỉ đích danh tổ chức, cá nhân vi phạm kèm theo hình thức xử lý.

Do vậy, trong Báo cáo quyết toán NSNN năm 2017 vừa được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên, Chính phủ đã gửi kèm theo danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách. Song theo tôi, bản danh sách này vẫn chưa đầy đủ, do đây là lần đầu tiên công bố công khai danh sách này.

Nghiên cứu kỹ báo cáo quyết toán NSNN lần này, ông có thấy rằng, vi phạm trong quản lý, sử dụng, tổ chức điều hành ngân sách cũng không khác những lần trước nhiều lắm. Nói cách khác, tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách vẫn chưa được khắc phục?

Đúng là rất nhiều sai phạm, vi phạm vẫn lặp đi lặp lại, như đối với công tác thu vẫn còn tình trạng nhiều địa phương lập, giao dự toán chưa sát thực tế; cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững; tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp, trốn, lậu thuế, nợ đọng thuế lớn chưa được khắc phục triệt để; còn có khoản thu không đúng đối tượng hoặc không nộp kịp thời vào ngân sách... Còn đối với công tác chi đầu tư, thì việc giao dự toán còn bất cập; vẫn còn tình trạng giao dự toán không đúng quy định…

Đơn cử, có địa phương chưa ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành; một số bộ, ngành, địa phương phân bổ, giao vốn vượt tổng mức đầu tư, vượt mức hỗ trợ, vượt nhu cầu,... phân bổ cho các dự án khi chưa đủ điều kiện hoặc không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn... Một số bộ, ngành giao dự toán chậm, chưa đúng tỷ lệ nguồn vốn, không đúng tính chất nguồn kinh phí; có bộ, ngành phân bổ, giao dự toán nhưng không đầy đủ căn cứ theo quy định.

Vi phạm phổ biến nữa trong chi thường xuyên là nhiều khoản chi quan trọng như chi cho giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chi lương hưu và bảo đảm xã hội không đạt dự toán, trong khi nhiều khoản chi không thực sự cần thiết lại chi tiêu rất “rộng tay”, chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, chế độ, định mức.

Tình trạng chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách chưa nghiêm chắc vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2018, thưa ông?

Quyết toán NSNN năm 2018 phải đến Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) mới được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua, nên hiện tại chưa có. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thì về cơ bản, năm 2018, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách đã dần đi vào nề nếp hơn, nhưng rất nhiều vi phạm, sai phạm vẫn chưa được khắc phục.

Cụ thể, công tác phân tích dự báo để xây dựng dự toán thu còn chưa sát, dẫn đến điều hành NSNN bị động; nguồn thu vẫn bấp bênh khi vẫn phụ thuộc quá lớn vào tiền sử dụng đất, từ hoạt động xuất nhập khẩu. Nhiều nhiệm vụ chi thường xuyên đã được rà soát, sắp xếp, cắt giảm tối đa như chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác nước ngoài, mua sắm xe công… vẫn còn tình trạng chi vượt chế độ, vượt định mức, vượt tiêu chuẩn theo quy định, tình trạng phô trương, hình thức, lãng phí vẫn chưa được khắc phục triệt để…

Giải ngân vốn đầu tư công chậm vẫn là một trong những thách thức chưa được khắc phục và tình trạng này tiếp tục kéo dài đến tận bây giờ. Việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là vướng mắc về tổ chức thực hiện phân bổ, giao vốn chậm, giải phóng mặt bằng kéo dài, năng lực thi công của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu... Vì vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời cần khẩn trương chấn chỉnh nâng cao năng lực quản lý, điều hành tổ chức, chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm việc sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, hạn chế chuyển nguồn qua các năm.

Nguyên nhân sâu xa của việc chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách do đâu, thưa ông?

Tất cả là do con người, cụ thể là tổ chức, bộ máy cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt là năng lực người đứng đầu chưa theo kịp với tình hình mới, nên vi phạm lặp đi, lặp lại.

Cốt lõi của tình trạng này là hiện chưa có chế tài xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu vi phạm. Như tôi nói, tiến bộ nhất trong Báo cáo quyết toán NSNN năm 2017 là Chính phủ đã gửi Quốc hội danh sách tổ chức, cá nhân chưa chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, nhưng xử lý vi phạm, sai phạm thế nào thì chưa có kết quả.

Quyết toán NSNN năm 2018, bên cạnh danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm, sai phạm, tôi đề nghị Chính phủ cũng phải gửi Quốc hội danh sách tổ chức, cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang xử lý.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục