Ký kết hợp tác về việc làm bền vững giai đoạn 2017 - 2021

Chiều nay (5/12), tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã cùng nhau ký kết chương trình hợp tác Quốc gia Việt Nam – ILO về việc làm bền vững giai đoạn 2017-2021.
Tổ chức Lao động quốc tế cam kết giúp Việt Nam đạt mục tiêu việc làm bền vững trong đó, tập trung ưu tiên việc làm khu vực nông thôn. Tổ chức Lao động quốc tế cam kết giúp Việt Nam đạt mục tiêu việc làm bền vững trong đó, tập trung ưu tiên việc làm khu vực nông thôn.

Theo đó, khung hợp tác này là công cụ quan trọng để ILO và các đối tác sử dụng trong việc lập kế hoạch hợp tác hàng năm và huy động các nguồn lực nhằm thúc đẩy mục tiêu việc làm bền vững tại Việt Nam.

Những mục tiêu ưu tiên đặt ra trong khung ký kết này được ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam nhắc tới bao gồm thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững; giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm khó chấp nhận, đặc biệt với các đối tượng dễ bị tổn thương và xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và quyền trong lao động.

Việc ký kết chương trình hợp tác về việc làm bền vững giai đoạn 2017-2021 được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá là chương trình quan trọng với tương lai Việt Nam vì muốn phát triển bền vững thì Việt Nam cần có việc làm bền vững.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam đang gặp thách thức trong việc làm bền vững.

Cụ thể, lao động nông thôn chiếm tới 60%, khu vực được xem là có năng suất thấp, trên 58% việc làm đến từ khu vực việc làm phi chính thức bao gồm tự tạo việc làm, kinh tế hộ gia đình, trong đó phụ nữ chiếm tới 65,7%.

Do đó, ông Lộc kỳ vọng, sự hợp tác của các bên đi cùng hỗ trợ từ ILO sẽ giúp cho Việt Nam tạo ra được cỗ máy tạo việc làm, trong đó có sự củng cố phát triển cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Khu vực được đánh giá là sẽ tạo việc làm lớn trong tương lai.

Tại buổi ký kết này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ Việt Nam cũng đang đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội. Những trọng tâm này phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp và của toàn xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị phía ILO hỗ trợ Việt Nam thực hiện những mục tiêu ưu tiên trước mắt đó là hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, thông qua các hoạt động nghiên cứu, tư vấn hỗ trợ dự án sửa đổi toàn diện Bộ luật lao động trong bối cảnh mới; hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tiền lương và hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu phê chuẩn một số công ước của ILO nhằm mục tiêu tăng cường khả năng hội nhập quốc tế về lĩnh vực lao động – xã hội trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, ông Chang Hee Lee cho biết, trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình thì nguồn hỗ trợ ODA đang giảm mạnh, ILO cũng không ngoại lệ.

“Vị thế của Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn trong 25 năm qua. Việt Nam đã chứng tỏ sự hội nhập hoàn toàn trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng khẳng định được vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hai lĩnh vực may mặc, da giày, Việt Nam đang được các nhà đầu tư biết tới là điểm đến gia công có chất lượng tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp thách thức trong việc phát triển việc làm bền vững và hệ thống dạy nghề cần cải thiện.

ILO cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu việc làm bền vững, đặc biệt tập trung vào khu vực nông thôn. Tuy nhiên, giai đoạn 2017-2021 là giai đoạn chuyển đổi của Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ chuyển từ quan hệ hợp tác sang quan hệ đối tác mới sau giai đoạn này nhưng ILO vẫn sẽ cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Do đó, đây là giai đoạn quan trọng để Việt Nam chuẩn bị năng lực và tổ chức sao cho phù hợp sự thay đổi trong tương lai”, ông Lee nhấn mạnh.

Hải Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục