Việc sáp nhập được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo Quyết định số 1844/QĐ-NHNN ngày 14/9/2015. Theo đó, Sacombank sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản, nhân sự, mạng lưới, số liệu cũng như quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Southern Bank và cam kết duy trì quyền, nghĩa vụ của khách hàng, đối tác, cổ đông của cả hai Ngân hàng.
Quá trình bàn giao được thực hiện trên nguyên tắc không làm gián đoạn hoạt động của hai Ngân hàng; kế thừa, phát huy những thành tựu của Southern Bank; góp phần tạo nền tảng cho Ngân hàng sau sáp nhập thực hiện đúng đề án đã được Đại hội đồng cổ đông hai Ngân hàng thông qua.
Sacombank là ngân hàng TMCP có quy mô lớn với đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp; văn hóa doanh nghiệp vững mạnh; hệ thống quy trình, quy chế bài bản, đặc biệt là các quy trình quản trị rủi ro chặt chẽ. Còn Southern Bank có quy mô tài sản tương đối trong hệ thống cùng mạng lưới hoạt động khá tốt. Đây là những yếu tố chính đảm bảo việc sáp nhập đạt kết quả như kỳ vọng.
Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.
Với nguồn lực mạnh hơn, Sacombank có thể nâng cao hơn nữa về quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tăng khả năng cung ứng vốn ra thị trường. Sacombank cũng đưa ra các phương án kỹ lưỡng để ổn định cả về nhân sự, tài chính, kinh doanh, đặc biệt là các phương án quản trị rủi ro sau sáp nhập.
Trước đó, ĐHCĐ bất thường của Sacombank được tổ chức vào ngày 11/7/2015 đã thông qua tỷ lệ hoán đổi cổ phần sáp nhập là 1 cổ phần của Southern Bank (PNB) hoán đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank (STB).
Ngoài ra, 1 cổ phần của cổ đông Sacombank tại ngày chốt danh sách để hoán đổi cổ phần khi sáp nhập sẽ nhận thêm 0,3875 cổ phần ngân hàng sáp nhập, trong đó gồm: 0,0875 cổ phần từ tỷ lệ chuyển đổi cổ phần Southern Bank; 0,080 cổ phần là cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013; 0,120 cổ phần là cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2014; 0,0875 cổ phần là thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ; và 0,0125 cổ phần từ thặng dư vốn cổ phần.
Đồng thời, ngày 21/9/2015 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 7168/NHNN-TTGSNH chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Sacombank từ 12.425 tỷ đồng lên mức 18.853 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc NNHNN phát biểu: “Việc tự nguyện sáp nhập Southern Bank vào Sacombank là phù hợp với chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ và NHNN nhằm tạo nên một ngân hàng lớn, lành mạnh phục vụ tốt cho nền kinh tế và đủ sức vươn ra thị trường quốc tế. Sau sáp nhập, Sacombank trở thành ngân hàng lớn nhất trong khối ngân hàng TMCP và chỉ sau 4 ngân hàng có yếu tố quốc doanh. Sự cộng hưởng này không phải là cộng cơ học mà là sự hợp lực của 2 ngân hàng để mang lại lợi ích lớn hơn cho khách hàng, cổ đông, phù hợp với xu hướng hội nhập. Ngoài ra, tôi cũng đánh giá tốt đối với công tác chuẩn bị sáp nhập của 2 ngân hàng”
Ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, thông thường, bước đầu của quá trình hợp nhất các ngân hàng sẽ không tránh khỏi một số khó khăn nhất định như: dung hòa văn hóa kinh doanh, tích hợp hệ thống kế toán và công nghệ thông tin, giải quyết có hiệu quả nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đây đều là các vấn đề mang tính ngắn hạn, không quá khó để xử lý. Không vì các khó khăn trước mắt mà cản trở tầm nhìn dài hạn của ngành. Xét về lợi ích dài hạn, các thương vụ M&A giữa các ngân hàng đều mang lại giá trị cộng hưởng lớn cho ngân hàng sau sáp nhập, cho cổ đông, khách hàng, xã hội và Nhà nước.
Việc Southern Bank sáp nhập vào Sacombank là phù hợp với định hướng chung của Chính phủ và NHNN trong chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhằm mang đến cho thị trường những định chế tài chính lớn mạnh, an toàn và chuyên nghiệp hơn.