Là người cuối cùng tham gia phiên thảo luận hội trường chiều 31/10 bàn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã dành bài phát biểu để làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng nói rằng, công tác thực hành tiết kiệm trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những kết quả rất tốt, thể hiện bởi những thành tựu chúng ta đã đạt được như tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%/năm; thu ngân sách đạt 6,9 triệu tỷ đồng, gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước; chiếm 25% GDP; nợ công của chúng ta cũng giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% năm 2020, tỷ trọng chi đầu tư từ 22,9% đã lên đến 29%; bội chi ngân sách 3,37%.
Đặc biệt, các đơn vị sự nghiệp công lập đã tinh giảm bộ máy rất mạnh mẽ, giảm được 13,85%, trong đó công chức giảm 10,01% và viên chức giảm 11,2%.
Tuy vậy, Bộ trưởng nêu vấn đề đất nước ta hiện nay là đất nước đang phát triển và đổi mới một cách mạnh mẽ, cho nên quy định pháp luật thường đi sau thực tiễn và như vậy, cần thiết phải được hoàn thiện một cách rất kịp thời, rất nhanh chóng, tạo đà cho phát triển và là nền tảng cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
"Chúng tôi mong Quốc hội hết sức thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ để hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra một đường băng để cho kinh tế phát triển", Bộ trưởng nói.
Ông Phớc nói rằng vấn đề thực hành tiết kiệm có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều đơn vị, cho nên vấn đề quy phạm pháp luật cần phải được hoàn thiện; đồng thời giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại.
Ví dụ theo quy định: "Dự án đầu tư phải được phê duyệt trước ngày 30/10 thì mới được bố trí vốn đầu tư công". Ngược lại, cũng quy định phải bố trí vốn thì mới lập được dự án và thiết kế. Mà chưa có vốn thì không lập được dự án, không lập được dự án lại đòi hỏi có dự án mới được vay vốn.
Sau đó, khi được vay vốn rồi thì bắt đầu mới lập dự án mất một năm, đền bù giải phóng mặt bằng mất một năm nữa, có khi mất 2 năm chưa giải ngân được. Bởi vì Luật quy định đền bù, giải phóng mặt bằng nằm trong dự án đầu tư. Điều này dẫn đến hệ luỵ là ký hợp đồng xong, chưa có mặt bằng để thi công thì đồng tiền ấy có khi lại đi vào bất động sản, chứng khoán hoặc đi vào chỗ khác khi chúng ta cho nhà thầu ứng tiền.
"Về vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta có thể tách riêng phần giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án nằm trong dự án đầu tư để việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước, giải phóng mặt bằng xong thì đấu thầu, đấu thầu xong nhà thầu sẽ nhận mặt bằng và thi công ngay", ông Phớc nói.
Đối với dự án ODA cũng vậy, lẽ ra khi có đề xuất dự án thì mới được vay vốn, nhưng có khi mới đề xuất đã vay vốn, có vốn rồi mới bắt đầu lập dự án đầu tư. Dự án đầu tư được phê duyệt xong lại điều chỉnh, qua rất nhiều khâu, rồi tuân thủ quy định của nhà tài trợ nữa..., tóm lại hàng loạt thủ tục ảnh hưởng đến tiến độ.
Một vấn đề nữa, Bộ trưởng dẫn lời đại biểu Quốc hội phát biểu buổi sáng rằng trong Luật Đầu tư công, quy định tiền sửa chữa các công trình, như nhà ở, đường sá, xe cộ... đều phải đưa vào Luật Đầu tư công, có nghĩa phải được ghi vào vốn của đầu tư công mới được triển khai. Điều này gần như các cơ quan, đơn vị rất bế tắc.
Khi nhà bị hỏng, bị sập, hàng rào sập cần phải xây lại, không có vốn thì rất bí.
"Muốn thay một bóng đèn của thiết bị bệnh viện cũng phải lập dự án", ông Phớc nói.
"Muốn thay một bóng đèn của thiết bị bệnh viện cũng phải lập dự án" .
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Tư lệnh ngành Tài chính cũng cho biết, hiện Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của 84 bộ, ngành, địa phương (63 địa phương và 21 bộ, ngành) thì có 83 ý kiến đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính rằng với các hạng mục sửa chữa các công trình kiến trúc, nhà cửa... dưới 15 tỷ đồng thì không phải thực hiện theo Luật Đầu tư công để trình Quốc hội kỳ này, mong Quốc hội chia sẻ và ủng hộ.
Trong Luật Đất đai về vấn đề chậm tiến độ, thu hồi đất khó, thực tế thu hồi không hề dễ. Bởi vì, sau khi có quyết định thu hồi thì cơ chế đền bù hay bồi thường cho những nhà đầu tư đã đầu tư trên đất như thế nào? Hiện nay quy định ấy vẫn nằm trên giấy, không triển khai được ở thực địa. Đây là một vấn đề cần phải có cơ chế.
Những dự án đang còn dang dở như thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán có những vướng mắc về mặt thủ tục thì giải quyết như thế nào? Hay dự án BT triển khai rất lâu, bắt đầu từ năm 2007-2009 đã có Nghị định 108, năm 2010 có Nghị định 71, năm 2015 có Nghị định 15 và năm 2019 có Nghị định 69 quy định BT; tuy nhiên, bây giờ có nhiều quan điểm cho nên những dự án BT cũng bị chững lại.
BT thì được lấy tài sản công hay lấy đất đai để khấu trừ? Bây giờ lật trở lại thì Luật Đất đai quy định đất phải đấu thầu. Như vậy, phải đấu thầu bên công trình và phải đấu thầu bên đất đai, như thế không đúng với nghị định xuyên suốt cả một thời kỳ.
"Cho nên cũng cần phải có một quy định ở một cấp luật cao nhất để khẳng định việc này xuyên suốt và giải phóng một nguồn lực hết sức lớn thì chúng ta mới có thể chống được lạm phát, chống được suy thoái kinh tế và tạo đà tăng trưởng", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Cuối cùng, nói về các giải pháp để đề cao thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, đơn vị này vẫn đang xây dựng các quy định về các định mức sử dụng xe ô tô để thay Nghị định 04, quy định về cơ chế tiếp khách, công tác phí, ...
Đối với Nghị định thay thế Nghị định 04, ông Phớc nói rằng, tháng sau Chính phủ sẽ ban hành quy định về sử dụng xe ô tô. Bộ Tài chính đã hai lần công khai trên Cổng thông tin điện tử và đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của 63 tỉnh thành, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, hiện nay đã được hoàn chỉnh.
Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Tài chính cho biết đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ hoàn thiện cáo cáo để gửi Quốc hội.