Chiều 28/10, sau khi nghe các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Vấn đề thứ nhất mà các đại biểu quan tâm chính là giải ngân vốn đầu tư công. “Đây luôn là một vấn đề quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Thấu hiểu tầm quan trọng của giải ngân vốn đầu tư công, nên thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều nghị quyết, công điện, văn bản để đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, đã tổ chức 3 hội nghị trực tuyến, thành lập 6 tổ công tác để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Chính vì thế, theo Bộ trưởng, tính đến nay, tuy tỷ lệ giải ngân so với vốn Thủ tướng Chính phủ giao có thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng xét về giá trị tuyệt đối, thì đã cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là 16%.
Một lần nữa lý giải về nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chưa được như kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngoài các nguyên nhân chủ quan, khách quan như đã nhiều lần báo cáo, như giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, do khâu triển khai thực hiện…, thì năm nay, còn có 3 nguyên nhân đặc thù.
Thứ nhất, năm 2022 là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục đối với những dự án khởi công mới.
Thứ hai, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Và thứ ba là vốn và bổ sung vốn năm nay lớn hơn so với năm 2021.
“Đó là 3 áp lực mà chúng tôi xin báo cáo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và đề xuất 2 giải pháp quan trọng để thúc đẩy giải ngân trong thời gian tới.
“Thứ nhất, hiện nay, 76,5% vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý. Do vậy, vấn đề tổ chức thực hiện ở địa phương rất quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và nhắc lại chuyện mà ông đã nhiều lần báo cáo với Quốc hội.
Đó là trong cùng một thể chế, trong cùng một điều kiện, trong cùng mặt bằng như nhau nhưng có rất nhiều địa phương với cách làm hay, mô hình tốt đã triển khai giải ngân rất cao, rất tốt. Nhưng cũng có rất nhiều bộ, ngành và địa phương giải ngân rất thấp.
“Như vậy giải ngân nhanh hay chậm phần lớn là do công tác tổ chức thực hiện”, Bộ trưởng khẳng định và cho biết, những vấn đề về thể chế, hiện nay đang từng bước để hoàn thiện, nhất là trong sửa Luật Đất đai lần này, cũng như trong việc sửa, hoàn thiện Luật Đấu thầu và các luật khác trong thời gian tới.
“Ở đây chúng tôi đề nghị với các đại biểu Quốc hội nâng cao vai trò của Hội đồng Nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát địa phương giải ngân vốn đầu tư công, từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư, đến giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công…”, Bộ trưởng nói và một lần nữa bày tỏ: “Chúng tôi rất mong các đại biểu Quốc hội đồng hành giúp công tác giải ngân, đầu tư tại các địa phương”.
Giải pháp thứ hai mà Bộ trưởng đề xuất chính là việc tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng. Đây là nội dung cũng đã được nhiều đại biểu đề xuất.
Cho rằng đây là một vấn đề lớn, cũng có mặt tốt nhưng nếu không quản lý chặt chẽ thì sẽ để lại hệ lụy, do đó cần phải thận trọng và phải nghiên cứu thật kỹ, Bộ trưởng cho biết, trước mắt đề nghị cho nghiên cứu sửa ngay trong Luật Đất đai.
Hướng sửa đổi là cho phép thực hiện trước việc kiểm đếm, đo đạc, khảo sát ngay khi có quy hoạch, có chủ trương đầu tư.
“Làm được như thế, thì sẽ giảm ngay được 6-8 tháng cho công tác giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Liên quan đến hai vấn đề khác mà các đại biểu quan tâm, là thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cũng như vấn đề tăng năng suất lao động, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung thúc đẩy, giải quyết trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chương trình Phục hồi là một chương trình rất lớn, lần đầu tiên thực hiện ở một quy mô như vậy, lại đòi hỏi phải tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí và trục lợi, nên cần phải ban hành nhiều chính sách để quản lý.
“Vừa qua, chúng ta đã mất rất nhiều công sức để ban hành các chính sách này. Hiện nay, tất cả các công việc đã cơ bản hoàn thành, cả ban hành các chính sách, phân bổ vốn và thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.