KSS: nỗi lo khoản nợ nghìn tỷ đồng

(ĐTCK) Thông tin Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc - ông Nguyễn Văn Dĩnh và Ủy viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng - bà Nguyễn Thị Thu Huyền của CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (mã KSS) bị khởi tố để điều tra làm rõ một số sai phạm cá nhân khiến cổ phiếu KSS bị nhà đầu tư bán tháo. Sự kiện này kéo theo nỗi lo về “số phận” của KSS, cũng như khả năng trả nợ vay lên đến cả ngàn tỷ đồng của Công ty.
KSS: nỗi lo khoản nợ nghìn tỷ đồng

BIDV có hơn 1.100 tỷ đồng nợ phải thu từ KSS

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015 của KSS cho thấy, trong cơ cấu 1.918,5 tỷ đồng tổng nguồn vốn, Công ty có 1.445,4 tỷ đồng nợ phải trả, bao gồm các khoản vay và nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, phải trả người bán, chi phí phải trả khác.

Trong số này, KSS có 552 tỷ đồng nợ vay dài hạn, với 3 khoản vay: vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Kạn (BIDV Bắc Kạn) 436,34 tỷ đồng; 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (khoản trái phiếu này đã được chuyển đổi thành cổ phiếu vào đầu tháng 4/2015 với mức giá 10.000 đồng/CP); vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Kạn (VDB Bắc Kạn) gần 16 tỷ đồng.

Khoản nợ ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả trị giá hơn 587,7 tỷ đồng trong báo cáo tài chính quý I/2015 của KSS không có thuyết minh chi tiết chủ nợ. Tuy nhiên, lần giở lại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của Công ty, toàn bộ khoản này (có giá trị chính xác bằng nhau) được vay từ 2 đơn vị là BIDV Bắc Kạn (hơn 554,6 tỷ đồng) và VDB Bắc Kạn (37,05 tỷ đồng).

Thuyết minh chi tiết tại báo cáo tài chính năm 2014 của KSS cũng cho thấy, các khoản vay ngắn hạn từ BIDV (hơn 550 tỷ đồng) được dùng để chi lương, chi trả tiền mua nguyên vật liệu, thiết bị, công cụ, dụng cụ sản xuất, nguyên liệu và các hoạt động sản xuất khác, với lãi suất dao động từ 10 - 15%/năm. Khoản vay dài hạn hơn 436 tỷ đồng được ký hợp đồng từ tháng 10/2009 có thời hạn 7 năm, lãi suất ban đầu 13%/năm, thay đổi 6 tháng 1 lần và được đảm bảo bằng tài sản.

Như vậy, tại thời điểm 31/3/2015, KSS có tổng cộng 987 tỷ đồng vay nợ từ BIDV, hơn 52,7 tỷ đồng vay nợ từ VDB, 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Tuy nhiên, tổng giá trị các khoản phải trả của công ty này tại BIDV không chỉ có thế.

Tại ngày 31/3/2015, KSS ghi nhận một khoản phải trả trị giá trên 160 tỷ đồng. Cũng như khoản vay ngắn hạn, khoản phải trả này không được thuyết minh chi tiết, nhưng tại thời điểm 31/12/2014, toàn bộ số tiền hạch toán trong khoản mục khoản phải trả trị giá 152,8 tỷ đồng là lãi vay phải trả.

Thuyết minh lưu chuyển dòng tiền quý I/2015 cũng cho thấy, toàn bộ giá trị phát sinh thêm chính là lãi vay trong quý I mà Công ty chưa trả. Với tương quan nợ vay hiện tại, không khó để nhận ra, có tối thiểu trên 100 tỷ đồng khoản lãi vay này thuộc về BIDV. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tổng giá trị các khoản phải thu của BIDV tại KSS lên tới trên 1.100 tỷ đồng. 

KSS liệu có thể trả nợ?

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của KSS, các khoản nợ BIDV được KSS đảm bảo bằng tài sản. Vậy tài sản của Công ty có những gì? Trước hết là khoản tồn kho trị giá 650 tỷ đồng, lớn hơn so với quy mô vốn chủ sở hữu 473 tỷ đồng trên vốn điều lệ 394 tỷ đồng. Đặc biệt, so sánh với quy mô doanh thu của KSS trong 3 năm gần đây (2012 - 2014), thì giá trị hàng tồn kho còn lớn hơn nhiều.

Nhìn lại lịch sử số dư hàng tồn kho và doanh thu, vay nợ ngắn hạn của KSS cho thấy, Công ty rơi vào tình trạng khó khăn từ lâu. Từ năm 2012 trở lại đây, doanh thu của KSS sụt giảm mạnh. Thế nhưng, bất chấp doanh thu giảm, áp lực lãi vay lớn, số dư hàng tồn kho của Công ty vẫn không ngừng tăng.

Đáng chú ý, với số dư hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2013, Công ty đủ sức bán cho cả 2 năm 2013 - 2014, nhưng số dư hàng tồn kho vẫn tăng! Trong khi đó, số dư vay nợ ngắn hạn BIDV dù có giảm trong năm 2013, nhưng lại tăng lên một khoản gần như tương ứng ở hạng mục vay dài hạn. Điều này cho thấy, tình trạng khó khăn của KSS kéo dài ít nhất là từ năm 2013, chứ không phải đến thời điểm hiện tại. Tại sao KSS không giảm hàng tồn kho để tăng vòng quay vốn, mà lại lựa chọn bài toán phi logic kinh tế như vậy?

KSS: nỗi lo khoản nợ nghìn tỷ đồng ảnh 1

Có lẽ, chỉ doanh nghiệp mới có thể trả lời, nhưng liên kết với việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và Ủy viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng của KSS vừa bị khởi tố, cộng thêm khoản vay hơn 550 tỷ đồng từ BIDV được đảm bảo bằng tài sản, thị trường có lý do để nghi ngờ về tính xác thực của số dư hàng tồn kho.

Khoản vay ngắn hạn 550 tỷ đồng và khoản vay dài hạn hơn 436 tỷ đồng được KSS thuyết minh là đảm bảo bằng tài sản. Ngoài số dư hàng tồn kho nói trên, Công ty còn 2 khoản có giá trị lớn là khoản phải thu trị giá 875 tỷ đồng (trong đó phải thu khách hàng 435 tỷ đồng, trả trước người bán 420 tỷ đồng), tài sản cố định 308 tỷ đồng.

So sánh mức tăng thêm khoản mục các khoản phải thu khách hàng của Công ty với doanh thu thực hiện trong kỳ cho thấy, một tỷ lệ lớn doanh thu không đi kèm với tiền thu về, đã nói lên chất lượng hoạt động kinh doanh sa sút của DN này.

Ngày 15/6 tới, KSS sẽ tổ chức ĐHCĐ 2015. Liệu có “mạnh thường quân” nào đến với KSS, vực dậy Công ty và lo trả khoản nợ cả nghìn tỷ đồng. ĐTCK sẽ theo tiếp diễn biến tại ĐHCĐ để phản phản ánh đến bạn đọc.              

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục