Ngày 9/6, KSS đã có văn bản công bố thông tin bất thường gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở GDCK TP. HCM do ông Kiều Công Hoạt, người công bố thông tin, đồng thời là Phó Giám đốc kiêm thành viên HĐQT ký. Thông báo cho biết, ông Nguyễn Văn Dĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, cùng với bà Hà Thị Thu Huyền, Ủy viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng bị khởi tố để phục vụ điều tra làm rõ một số sai phạm cá nhân. Hiện con dấu giao dịch và toàn bộ hồ sơ hành chính của Công ty đang bị cơ quan điều tra thu giữ.
Ai sẽ thay ông Dĩnh lãnh đạo KSS, ĐTCK đã liên lạc với các lãnh đạo đương nhiệm của KSS qua điện thoại và email, trong đó có ông Hoạt nhưng tạm thời chưa nhận được trả lời.
Một vài cán bộ KSS cho biết họ khá bất ngờ với quyết định trên, trong tờ trình đại hội lần này vẫn có nội dung thông qua việc Chủ tịch HĐQT tiếp tục kiêm nhiệm Giám đốc Công ty.
Trong khi đó, đại hội lần này sẽ xem xét những thay đổi trong dàn nhân sự cấp cao khi ông Hoạt thôi làm thành viên HĐQT kiêm Phó Giám đốc Công ty, bầu bổ sung ông Vũ Văn Vấn, Trưởng phòng Tổ chức hành chính làm thành viên HĐQT Công ty và ông Trương Quang Nhân, Ủy viên HĐQT kiêm nhiệm chức Phó Giám đốc Công ty.
Về hoạt động kinh doanh, do không kịp ứng biến với những thay đổi trong chính sách khoáng sản cộng với những khó khăn chung của nền kinh tế, KSS đang lâm nạn, phải gánh chịu khoản nợ lớn.
“Với việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến và luyện kim, thực hiện chủ trương chế biến sâu khoáng sản của Nhà nước, cũng như định hướng phát triển lâu dài, KSS đã phải huy động nguồn vốn rất lớn trong thời gian ngắn dẫn đến cơ cấu nợ vay cao, áp lực về chi phí lãi vay lớn”, tài liệu ĐHCĐ KSS thừa nhận.
Theo báo cáo tài chính 2014 của KSS, nợ phải trả là 1.399 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước là 1.226 tỷ đồng, tăng 173 tỷ đồng (tính đến hết năm 2014). Trong khi đó, cả tổng doanh thu và lợi nhuận đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Tổng doanh thu là 330,3 tỷ đồng (chỉ đạt 83% kế hoạch); lợi nhuận sau thuế 3,95 tỷ đồng (chỉ đạt 20% kế hoạch).
Nguyên nhân chính được ông Dĩnh lý giải trong tờ trình cổ đông là do thị trường nói chung và lĩnh vực khoáng sản nói riêng còn khó khăn, dẫn đến giá cả các mặt hàng chủ lực của Công ty giảm mạnh, đồng thời việc vốn vay đầu tư cho các dự án cũng làm chi phí tài chính tăng cao làm giảm lợi nhuận.
Để gỡ khó cho những khó khăn về tài chính, KSS nhiều năm qua đã lên kế hoạch huy động vốn qua TTCK thông qua việc bán cổ phần nhưng chưa thực sự thành công. Tính đến ngày 10/4/2015, sau khi chuyển đổi 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, vốn điều lệ công ty tăng lên 494,325 tỷ đồng. Trong cơ cấu vốn điều lệ, cổ đông nội bộ, trong đó có HĐQT nắm 3,92% (tương đương 1.937.500 CP), cổ đông bên ngoài nắm chủ yếu, tới 96% cổ phần.
Ngay sau khi thông tin xấu trên phát đi, cổ phiếu KSS bị bán tháo mạnh 2 phiên liên tiếp hôm 8/6 và 9/6.
Trước mắt, điều khiến cổ đông KSS băn khoăn là liệu ĐHCĐ ngày 15/6 tới đây có thể diễn ra như bình thường hay không nếu vắng mặt Chủ tịch HĐQT kiêm vị trí chủ tọa đại hội.