Kon Tum tạo điều kiện phát triển cây mắc ca

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) UBND tỉnh Kon Tum cho biết, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Mắc ca trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Cây mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tỉnh Kon Tum Cây mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tỉnh Kon Tum

Theo đó, tại buổi làm việc, sau khi thảo thuận, trao đổi, 2 bên thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025 và một số định hướng trong thời gian đến với các nội dung:

UBND tỉnh Kon Tum và các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các doanh nghiệp đối tác của Hiệp hội ký kết hợp tác với các tổ chức nông dân là Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Liên hiệp Hợp tác xã và tổ chức, cá nhân liên quan phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến các sản phẩm từ Mắc ca.

Hai bên cùng hỗ trợ các tổ chức nông dân và tổ chức, cá nhân liên quan phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tăng thu nhập.

Hai bên thúc đẩy việc hợp tác phát triển mắc ca đến năm 2025 đạt khoảng 2.000 ha trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tùy theo tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo sẽ phát triển thêm đảm bảo theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời xây dựng các cơ sở chế biến phù hợp với kế hoạch phát triển mắc ca.

UBND tỉnh Kon Tum và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Mắc ca trên địa bàn.

UBND tỉnh Kon Tum và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Mắc ca trên địa bàn.

UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát nguồn quỹ đất có khả năng trồng cây mắc ca để hình thành mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ gắn với chế biến mắc ca trên địa bàn tỉnh; Quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, kinh doanh giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh; Xây dựng kế hoạch hàng năm tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ mắc ca; Tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để các doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng và chế biến mắc ca theo chuỗi giá trị.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các huyện thành phố thuộc tỉnh Kon Tum khảo sát đánh giá thực trạng, xác định vùng đủ điều kiện để phát triển cây mắc ca.

Khảo sát để lựa chọn các tổ chức nông dân và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh để thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm mắc ca; liên kết sản xuất từ khâu cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, quá trình tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kết nối, xúc tiến các doanh nghiệp có khả năng để đầu tư xây dựng chuỗi liên kết phát triển cây mắc ca từ khâu đầu tư, thu mua, chế biến các sản phẩm mắc ca.

Hỗ trợ, giám sát các doanh nghiệp thực hiện các điều khoản hợp đồng liên kết, nhất là vấn đề bảo hành cây giống đảm bảo nguồn gốc, chất lượng; Hỗ trợ xây dựng một số mô hình mẫu trồng mắc ca với quy mô khoảng từ 5 ha trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Chủ động tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến mắc ca.

Phối hợp các tổ chức tín dụng (Ngân hàng LienVietPostBank...) giới thiệu và hướng dẫn các điều kiện thực hiện việc vay vốn để phát triển mắc ca đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đảm bảo theo đúng quy định.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, cây mắc ca được đưa về trồng tại tỉnh Kon Tum bắt đầu từ năm 2012, đến nay phát triển được khoảng 350 ha; trong đó, trồng thuần khoảng 250 ha và trồng xen khoảng 100 ha. Sản lượng thu bói ước đạt 30 tấn. Diện tích trồng xen chủ yếu trong vườn cà phê, cây ăn quả và hàng rào quanh vườn.

Các giống mắc ca được trồng chủ yếu là các dòng H2, OX, OC, DAD, A4, Quế Nhiệt…; trong đó, ưu thế vượt trội là các dòng A38, OC, H2. Trên địa bàn tỉnh hiện mới có 1 cơ sở chuyên sản xuất giống cây mắc ca có chất lượng cao là Công ty cổ phần Dương Gia Kon Tum ở huyện Đăk Tô.

Một số cơ sở giống mắc ca chủ yếu kinh doanh với số lượng nhỏ lẻ giống thực sinh nhập trực tiếp từ các cơ sở sản xuất giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai hoặc tự nhân giống để trồng.

Cây mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tỉnh Kon Tum; diện tích trồng tại các huyện các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Đăk Tô, Ngọc Hồi và Kon Rẫy được đầu tư chăm sóc tốt, cây sinh trưởng, phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, ước năng suất từ 20 - 30 kg quả khô/cây.

Uông Tân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục