Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum vừa cho biết, dự báo tỉnh Kon Tum sẽ hình thành 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổng quy mô 6.939 ha với các sản phẩm sản xuất chính gồm hoa, rau củ quả, cây ăn quả, cà phê và dược liệu.
Cụ thể, 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rau, củ, quả tại huyện Kon Plông (rộng 190 ha) và TP. Kon Tum (rộng 50 ha); 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoa các loại tại huyện Kon Plông (rộng 52ha); 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cây ăn quả tại TP. Kon Tum, huyện Đăk Tô, huyện Đăk Hà (3 địa phương đều rộng 300 ha) và huyện Ia H’Drai (rộng 100 ha); 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cà phê tại TP. Kon Tum (rộng 300 ha), huyện Đăk Glei (rộng 358 ha), huyện Đăk Tô (rộng 300 ha), huyện Đăk Hà (rộng 1.939 ha); 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dược liệu tại huyện Tu Mơ Rông (rộng 2.800 ha).
Hiện tại, tỉnh Kon Tum đang có 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đăk Hà và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông với tổng diện tích gần 8.000 ha; đối tượng sản xuất chủ yếu là rau, củ, quả, cà phê, cây ăn quả.
Tỉnh Kon Tum có gần 300.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm gần 31% tổng diện tích tự nhiên. Đặc biệt, tỉnh Kon Tum có 2 tiểu vùng khí hậu Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn với đa dạng điều kiện tự nhiên rất thích hợp phát triển nông nghiệp.
Trong đó, khu vực Tây Trường Sơn giàu tiềm năng để phát triển cây nông nghiệp có giá trị cao như cao su, cà phê, cây ăn quả; khu vực Đông Trường Sơn với điều kiện đặc trưng riêng có thích hợp phát triển các loài dược liệu quý và đặc hữu như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, lan kim tuyến…