Kith Meng: Nhà tài phiệt tiên phong của Campuchia

(ĐTCK-online) Doanh nhân hàng đầu Campuchia Kith Meng không thể tưởng tượng sẽ có ngày nào đó ông phải nghỉ hưu hoặc bán Tập đoàn Royal, bởi đó đã là "niềm đam mê" của ông và cũng bởi một điều tưởng chừng như rất đơn giản: "Nếu không làm việc, tôi sẽ ốm".
Kith Meng: Nhà tài phiệt tiên phong của Campuchia

"Tôi không thích làm việc gì qua quýt, tôi muốn khi làm việc gì phải tới nơi tới chốn" - đó chính là năng lượng, là sức mạnh giúp người đàn ông 39 tuổi này làm nên sự khác biệt đối với thái độ làm việc thong dong của người Campuchia.

Kith Meng là một trong những người đi đầu trong công cuộc chuyển đổi của Campuchia, từ một đất nước lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh thành một nền kinh tế thuộc loại phát triển nhanh nhất châu Á, với mức tăng trưởng trung bình 9%/năm trong thập kỷ qua.

Sự khác biệt làm nên thành công

Các lĩnh vực hoạt động của Royal Group bao gồm một công ty điện thoại di động lớn nhất quốc gia - công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ băng thông rộng tại đây và một ngân hàng tiên phong trong việc phổ biến ATM.

Và đó là sự khác biệt của Kith Meng so với nhiều Hoa kiều tại Campuchia, những người chỉ chú tâm xây dựng các doanh nghiệp gia đình trong những ngành nghề truyền thống như nông trại, khai thác mỏ và gỗ.

"Chúng tôi sẽ hướng tới bất cứ lĩnh vực nào mà chúng tôi có thể, bởi Campuchia cần phát triển đủ mọi ngành nghề", Kith Meng nói và cho biết thêm: "Chúng tôi chỉ chú tâm tới ngành nghề nào đó mà sẽ giúp chúng tôi có chỗ đứng trong sân chơi của khu vực châu Á".

Với tham vọng đó, Kith Meng bắt đầu đi khảo sát các trung tâm tài chính như Singapore và Hồng Kông để xem bằng cách nào và bao giờ Royal Group nên mở rộng sự hiện diện trong khu vực cũng như niêm yết cổ phiếu.

Kith Meng cũng quan tâm tới hoạt động kinh doanh casino. Mới đây, ông đã sang Macao, trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới và ra một kết luận hết sức quả quyết: "Macao đã trở nên đông đúc và người Macao nên nhìn sang đây, chứ không phải chúng ta phải nhìn sang họ".

Mặc dù cho tới nay, Kith Meng mới chỉ giới hạn hoạt động kinh doanh tại Campuchia, song sự nghiệp ngày một đi lên của ông đã bắt đầu được so sánh với các nhà tài phiệt mà danh tiếng đã vươn tới tầm châu Á như Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng của Thái Lan.

Tuy nhiên, Kith Meng khẳng định, không hề có tham vọng chính trị như Thaksin và luôn tỏ ra trung thành với đương kim Thủ tướng Hun Sen, ủng hộ các nỗ lực của Thủ tướng trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch tại đây.

"Nhà đầu tư nào đã đến đây đều nhận ra rằng, Campuchia là một nơi nên đến để làm ăn", Kith Meng khẳng định.

Có một điều đặc biệt là trong khi Royal Group đang chuẩn bị xây dựng một toà nhà chọc trời ở Thủ đô Phnom Penh thì trụ sở của Tập đoàn vẫn nằm tại một khu văn phòng hết sức bình thường. Khi được hỏi về điều hết sức đáng ngạc nhiên này, Mark Hanna, Giám đốc tài chính người Ai-len của Tập đoàn cho biết: "Nghe có vẻ lạ, nhưng tôi không nghĩ ông ấy sẽ chuyển khỏi đây. Có thể, đó là sự pha trộn của thuật phong thuỷ, may mắn và mê tín". Trong khi đó, Kith Meng lại quan niệm: "May mắn chính là sự thông minh và sự lựa chọn đúng thời điểm".

Tuy vậy, Kith Meng lại là người thích trưng diện với đồng hồ đeo tay bằng vàng hiệu Cartier, nhẫn kim cương và nhiều xe hơi đắt tiền.

Hướng ngoại

Thành công nhanh chóng của Kith Meng đang dẫn tới sự đố kỵ và miệt thị từ các đối thủ trong nước. Song Kith Meng không quan tâm tới việc mình đi khác hướng với những người đồng hương, những người luôn có xu hướng khép mình, thay vì mở cửa ra cho người nước ngoài. Có thể, điều này bắt nguồn từ việc Kith Meng đã từng học tại Australia thời niên thiếu và có được quốc tịch ở quốc gia này.

Hiện nay, mối liên hệ quan trọng nhất của Royal Group với Australia là một liên doanh với Ngân hàng ANZ. Trong khi đó, công ty điện thoại của Tập đoàn là đối tác của Millicom International Cellular, một công ty của Luxamburg. Kith Meng cũng sở hữu quyền phân phối độc quyền của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Canon, Siemens, Motorola, chuỗi nhà hàng Pizza Hut và KFC.

Với quan điểm "người Campuchia cần các chuyên gia từ bên ngoài", Kith Meng hiện thuê hàng chục giám đốc điều hành nói tiếng Anh làm việc cho Tập đoàn. Không có gì ngạc nhiên khi ông cũng chính là người trực tiếp nghe và phân tích các tin tức và báo cáo quốc tế liên quan đến Campuchia.

Nỗi thống khổ là động lực làm nên sự nghiệp

Giống như hầu hết người dân Campuchia sinh ra trước thời Pol Pot nắm quyền năm 1975, Kith Meng cũng trải qua sự đàn áp cùng cực, mà ông gọi là "câu chuyện đau thương của cuộc đời tôi". Cha và mẹ bị bỏ đói tới chết vì là chủ đất và thương nhân. Sau cuộc lật đổ Khơme đỏ, Kith Meng đoàn tụ cùng họ hàng và nhập trại tỵ nạn của Liên hợp quốc tại Thái Lan trước khi di cư sang Australia và quay lại Campuchia vào năm 1991.

"Tất cả nỗi thống khổ đó giúp tôi mạnh mẽ hơn và nhận thấy một điều rằng, tôi phải trở thành một người nào đó".                                      


Xuân Hòa (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục