Kinh tế Việt Nam và giấc mơ của đàn kiến

Chiếm tới hơn 30% GDP, ngang ngửa với đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong GDP, nhưng khu vực kinh tế hộ gia đình dường như chưa được gọi đúng tên.
Phải nâng cao tính minh bạch của khu vực hộ kinh doanh để không bị coi là phi chính thức. Ảnh: Đức Thanh

Giấc mơ của… kiến

Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) trầm ngâm khá lâu khi lật dở từng trang Đề án thành lập Làng nghề khởi nghiệp Đồng Kỵ. Đề án hơn chục trang, hành văn theo lối của những người thợ gỗ, muốn gì nói thế, không cầu kỳ, vòng vèo.

“Ra Tết, các hộ sẽ ngồi lại, để bàn tiếp xem nên đề xuất thế nào. Việc phải làm, dù khó cũng phải làm thôi”, ông Vương nói.

Đây là những hộ kinh doanh ở làng Đồng Kỵ đã đồng ý góp ruộng đất của mình, dồn điền, đổi thửa để có một diện tích khoảng 50 ha. Họ muốn xây dựng một trung tâm giới thiệu sản phẩm của làng, một khu chợ gỗ, khu sản xuất, hệ thống sấy gỗ chuyên nghiệp và cả khu xử lý nước thải dùng chung cho cả khu, để chuyển các hoạt động đang rải rác trong làng vào đây, tạo thành một cụm sản xuất - công nghiệp của làng.

Họ cũng đã thống nhất giao ông Vương tìm kiếm sự hỗ trợ của luật sư, hoàn thiện Đề án thành lập Làng nghề khởi nghiệp Đồng Kỵ gửi tới các cơ quan của tỉnh.

Việc đã được 2 năm, hiện tại, mô hình tập trung sản xuất - kinh doanh lớn, chuyên nghiệp, đủ sức nhận được các hợp đồng lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao của các thị trường nước ngoài, như Đài Loan, Nhật Bản của các hộ kinh doanh làng Đồng Kỵ vẫn đang là… giấc mơ.

“Khó quá, chúng tôi như đàn kiến, ai tư vấn gì chạy theo hướng đó, nhưng... cứ chạy mà không có kết quả”, ông Vương nói.

Đây là một trong những kế hoạch lớn nhất của ông Vương kể từ khi nhận chức Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ vào năm 2011. Trước đó, vào năm 2016, Sàn Giao dịch điện tử làng nghề gỗ Đồng Kỵ đã ra mắt với địa chỉ http://dongkyfurniture.

com. Cùng thời điểm này, Hội Gỗ Đồng Kỵ đã làm thủ tục và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gỗ Đồng Kỵ”.

Sức mạnh ngầm

Ông Vương là một trong khoảng 300 giám đốc doanh nghiệp tư nhân, chuyên sản xuất hàng nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ của làng Đồng Kỵ, là con em của hơn 3.000 hộ kinh doanh của làng. Bố ông cũng là chủ hộ kinh doanh lâu năm của làng.

“Nhiều hộ kinh doanh không muốn thành lập doanh nghiệp, một phần vì chi phí hoạt động cao hơn, nhưng phần khác vì họ không thấy lợi ích gì giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh”, ông Vương thừa nhận.

Dù là hộ kinh doanh, nhưng quy mô doanh thu của các hộ ở đây khá lớn, trung bình 15 - 20 tỷ đồng/năm... Nhiều hộ đã mở rộng ra ngoài làng, đi xa hơn, đưa sản phẩm đậm chất Đồng Kỵ tới các vùng, miền trong cả nước. Đặc biệt, sản phẩm Gỗ Đồng Kỵ vài năm trước đã làm mưa, làm gió thị trường Trung Quốc…

Đây cũng là một trong những làng nghề được cho là có nhiều “tỷ phú ẩn danh” nhất cả nước.

Nhưng đó là những gì các hộ kể và có thể nhìn thấy được từ sự trù phú của làng Đồng Kỵ. Còn trong các thống kê chính thức, phần đóng góp cho kinh tế địa phương chỉ được ghi nhận ở các khoản thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, các khoản chi lương cho hơn 10 lao động/hộ…

Nghiên cứu Kinh tế tư nhân Việt Nam và năng suất - thịnh vượng do TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economica Viet Nam thực hiện vừa công bố cho thấy, khu vực hộ kinh doanh chiếm tới 30,4% GDP, nhưng chỉ đóng góp 1,56% cho ngân sách nhà nước.

Nếu so với khu vực doanh nghiệp tư nhân, đóng góp của khu vực hộ kinh doanh trong GDP của kinh tế Việt Nam lớn hơn gấp 3 lần, so với 9 - 10% của khu vực doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp. Số lượng hộ kinh doanh cũng gấp nhiều lần so với doanh nghiệp (khoảng 5 triệu hộ so với hơn 600.000 doanh nghiệp hiện nay).

“Đây là một đặc điểm nổi bật của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, khi tính không chính thức và bán chính thức cao. Cũng chính vì vậy, bất kỳ sự cải thiện nào về hiệu quả hoạt động của khu vực hộ kinh doanh cũng sẽ góp phần nâng cao năng suất tổng thể của nền kinh tế”, TS. Bình nhận định.

Cũng phải nói thêm, trong các lý do mà người kinh doanh chọn mô hình hộ thay vì thành lập doanh nghiệp là nhiều quy định liên quan đến hoạt động doanh nghiệp quá mức chặt chẽ, không hợp lý, quá trình thực thi không hiệu quả, chi phí tuân thủ cao.

Nghiên cứu của TS. Bình còn cho thấy, nhiều hộ kinh doanh này vẫn phản đối và né tránh việc đăng ký thành doanh nghiệp nhằm tiếp tục hưởng lợi từ các quy định đơn giản và lỏng lẻo về thuế hiện được áp dụng đối với khu vực hộ kinh doanh, và nhằm tránh thực thi đầy đủ các quy định về an toàn lao động, an sinh xã hội, yêu cầu về báo cáo tài chính và thuế.

Đáng nói là, nhiều hộ kinh doanh lớn hơn đang lợi dụng sự thiếu minh bạch và thiếu rõ ràng này để gây ra những phản ứng từ phía các doanh nghiệp đã đăng ký chính thức. Năng suất của các hộ kinh doanh nhìn chung thấp hơn so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước thuộc khu vực chính thức.

Hệ quả là, khu vực này không chỉ đóng góp nhỏ bé cho tổng thu ngân sách nhà nước, mà còn đóng góp rất hạn chế về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội.

Đã đến lúc gọi đúng tên

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, phải quan tâm nhiều hơn tới khu vực hộ gia đình đang giữ tỷ trọng lớn trong GDP, không thể để khu vực này luôn bị coi là phi chính thức, trong khi những đóng góp của họ là thật.

“Chúng tôi đã khảo sát. Hộ kinh doanh đóng góp không hề nhỏ, nhưng lại không đến được ngân sách nhà nước. Nếu tiếp tục để tỷ lệ hộ kinh doanh cao như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tính minh bạch của khu vực công và của cả nền kinh tế. Vấn đề ở đây là, phải nâng cao tính minh bạch của khu vực này, để họ có thể vẫn là hộ kinh doanh, nhưng không bị coi là phi chính thức”, ông Lộc bày tỏ quan điểm.

Ông Lộc đề xuất, phải coi hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp, như doanh nghiệp tư nhân và cơ chế về kế toán, thủ tục thuế, chế độ báo cáo phù hợp với quy mô của loại hình này.

“Không nên tồn tại sự khác biệt quá giữa hộ kinh doanh, hợp tác xã với doanh nghiệp, vì bản chất hoạt động là tương đương, chỉ khác về quy mô. Nguyên tắc minh bạch, công khai cũng phải được áp dụng với các hộ này. Khi đó, một bước phát triển của hộ kinh doanh sẽ không còn là bước đi của những con kiến nữa”, ông Lộc nói và cho biết, VCCI sẽ có đề xuất chính thức trong Dự thảo Luật sửa đổi các luật về kinh doanh tới đây.

Thực ra, các hộ kinh doanh muốn góp đất làm Làng nghề khởi nghiệp Đồng Kỵ đã tính tới việc này. Họ đang muốn hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch hơn, tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh, về môi trường, về người lao động vì các đối tác đến từ châu Âu, từ Nhật đang yêu cầu họ có được các báo cáo về việc này.

“Thế hệ trẻ, những người nhận chuyển giao hộ kinh doanh từ bố mẹ, ông bà không muốn làm ăn lặt vặt, chạy chọt. Nhưng chúng tôi cần cơ chế phù hợp, sự hỗ trợ thủ tục thuận lợi và cả nơi làm ăn chuyên nghiệp”, ông Vương nói.

Một nghiên cứu của Economica Vietnam thực hiện năm 2017 cho thấy, đối với một hộ kinh doanh có quy mô 10 lao động khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, chi phí tuân thủ tối thiểu sẽ tăng thêm 181,2 triệu đồng nếu như áp dụng theo đúng các quy định hiện nay của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan.

Các chuyên gia cũng phát hiện rằng, mô hình doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ) cũng phải chịu một mức chi phí đúng như vậy, do Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan không có quy định riêng về các nghĩa vụ pháp lý đối với loại hình doanh nghiệp này, mặc dù quy mô và bản chất của loại hình doanh nghiệp này rất gần với hộ kinh doanh và khác xa so với các hình thức doanh nghiệp cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên.

Rõ ràng, khu vực hộ kinh doanh hết sức đa dạng và không đồng nhất về đặc điểm, nhưng đang phải tuân thủ cùng một quy định pháp luật. Theo ông Bình, cách tiếp cận về quy định pháp luật theo hướng “một cỡ cho tất cả” này rõ ràng là không phù hợp và không hiệu quả.

“Việc yêu cầu chính thức hóa, chuyển đổi bắt buộc đối với các hộ kinh doanh có doanh số lớn là cần thiết và hoàn toàn có thể lý giải được, nhưng cùng một biện pháp bắt buộc như vậy sẽ không phù hợp với phần lớn các hộ kinh doanh, đặc biệt là các hộ kinh doanh có thu nhập thấp và đang hoạt động vì mục đích mưu sinh. Các chính sách của Chính phủ đối với khu vực hộ kinh doanh cần xem xét tới tính đa dạng cao và tính không đồng nhất này”, ông Bình đề xuất.

Vấn đề là, cần có cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh một cách đầy đủ, toàn diện, ở cấp quốc gia để phục vụ việc phân loại, làm nền tảng cho các đề xuất chính sách cho khu vực này. Hiện dữ liệu này còn phân tán.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục