Kinh tế Việt Nam phải bước những bước dài hơn, mạnh hơn

Kinh tế Việt Nam có thể đi nhanh hơn không? Có thể, nhưng chưa đủ, nếu bước chân đó là của những con kiến. Việt Nam đang cần nhiều doanh nghiệp tiên phong, để làm nên bước chân mạnh mẽ hơn.
TS. Trần Đình Thiên. TS. Trần Đình Thiên.

Khúc mắc của đàn kiến

Luôn đau đáu với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa bao giờ TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam muốn chia sẻ về những con số tuyệt đối.

“Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 là 7,08%, thậm chí có thể đạt hơn nữa nếu tận dụng tối đa các động lực tăng trưởng... Nhưng bao nhiêu phần trăm vẫn chỉ là tính trên quy mô của nền kinh tế nhỏ. Như một con kiến, nếu chạy rất nhanh, hết sức của con kiến cũng không thể so với con thỏ, hay con hổ...”, TS. Thiên chia sẻ quan điểm.

Theo ông, nền kinh tế Việt Nam để trở thành thỏ, hay hóa hổ, tốc độ tăng trưởng sẽ phải là con số nào?

Câu chuyện ở đây không phải là con số nào. Với tiềm lực và cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam đang có, nếu những rào cản bó tay, bó chân khu vực tư nhân được tháo bỏ, chúng ta có thể tăng trưởng 2 con số.

Nhưng con số đó sẽ không có ý nghĩa khi chỉ so ta với ta hiện tại. Với quy mô nền kinh tế khoảng 240 tỷ USD, ngay cả khi tăng trưởng 10%/năm, con số tuyệt đối nền kinh tế Việt Nam đạt được mới là 24 tỷ USD. Còn Nhật Bản, với quy mô GDP 4.880 tỷ USD, chỉ cần tăng 1%, họ đã kiếm được tương đương chúng ta.

Nếu muốn so sánh, chúng ta phải vừa chạy, vừa biến hình. Nói một cách hình ảnh, không thể so bước chân của kiến với thỏ, mà phải thành thỏ, nếu muốn so sánh...

Quá trình “biến hình” đó chính là sự thay đổi cấu trúc. Có thể nhìn sang Hàn Quốc. Cứ mỗi 5 năm, nền kinh tế này lại có một bước thay đổi cấu trúc rất rõ ràng.

Không thể phủ nhận, kết quả của nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam không hề nhỏ, đang tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Hai năm nay, chúng ta đạt được cả mục tiêu ổn định vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng. Không thể tình cờ có được kết quả này.

Chính phủ đã điều hành chắc tay, kiên định nguyên lý ưu tiên ổn định vĩ mô, trên nền tảng đó mới thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc tới mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng không bằng mọi giá, là hàm ý nguyên lý này.

Đặc biệt, năm 2018, giữa một thế giới bất ổn, tốc độ tăng trưởng giảm, nhiều rủi ro, mà Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định là một thành tựu. Cộng thêm với đó là niềm tin kinh doanh tăng lên, khi Chính phủ thực sự hành động vì doanh nghiệp, động chạm vào những chỗ khó khăn nhất là cải cách thủ tục, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Không dễ để chạm được như vậy, vì tiền bạc ở đó, lợi lộc ở đó; nhưng khi đã lung lay được, chỉ thêm cú huých sẽ tạo thay đổi lớn.

Nhưng, sức khỏe, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn mong manh, vì những thay đổi mới bắt đầu, chưa chạm đến cấu trúc.

Chỉ nói về cấu trúc doanh nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam bao năm nay vẫn dựa vào 2 động lực chính là kinh tế hộ gia đình (đóng góp hơn 31% GDP) và doanh nghiệp nhà nước (khoảng 28% GDP)  thì mạnh làm sao được. Doanh nghiệp thì thành lập nhiều, nhưng ra đi cũng lắm...

Việt Nam cần lực lượng doanh nghiệp tiêp phong

TS. Thiên là một trong số ít người không ngại khen các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam. Ông nhắc đến nhiều tên tuổi, như Vingroup, Thaco, Bkav, TH, Đồng Tâm... với sự trông đợi vào bước khởi đầu của một lực lượng doanh nghiệp mạnh.

“Tôi mong những người như anh Dương (Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco), anh Bình (Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT), anh Thắng (Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm)... trở thành những trụ cột của doanh nghiệp Việt Nam”, TS. Thiên nói.

Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã có thể gọi là trụ cột của nền kinh tế chưa, thưa ông?

Đã là trụ cột chưa thì phải bàn, nhưng họ đang tiến trên con đường để trở thành những doanh nghiệp hàng đầu, với ý thức, tư duy của những người tham gia cuộc chơi lớn  - theo hướng góp phần tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp Việt, chứ không chỉ là những doanh nghiệp riêng lẻ.

Vì có đủ lớn mới dẫn dắt, mới tạo chuỗi, mới đủ tiền khởi nghiệp và đủ hào hiệp đều để đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo – những người chỉ có ý tưởng lóe sáng và trái tim sôi sục.

Đây là sứ mệnh của các doanh nghiệp tư nhân. Trong một nền kinh tế thị trường bình thường, khu vực này phải đóng góp 60 - 70% GDP.

Nhưng, cũng phải có cơ chế để những doanh nghiệp lớn này thực sự là trụ cột. Đã đến lúc phải bàn đến Chiến lược Phát triển doanh nghiệp Việt Nam theo hướng này.

Chiến lược phát triển doanh nghiệp mà ông nói đến sẽ như thế nào?

Hơn 15 năm trước, khi thảo luận xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng, tôi đã đề xuất Chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp, nhưng chưa được chấp nhận. Kỳ Đại hội này, tôi đang nỗ lực đặt lại vấn đề.

Chúng ta phải trả lời được câu hỏi: sao 30 năm mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ có thể phát triển như vậy, chỉ đóng góp được khoảng 8 - 9% GDP? Doanh nghiệp Việt Nam khó lớn, hay không muốn lớn? Nền kinh tế có thể hội nhập, có thể 4.0 với toàn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình manh mún, công nghệ thấp, muốn đóng cửa lúc nào cũng được? Doanh nghiệp tư nhân trong nước nào đủ sức tham gia sân chơi hàng triệu tỷ đồng của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

Giờ phải giải bài toán này, để 20 -30 năm nữa, kinh tế Việt Nam có được những người khổng lồ.

Như Hàn Quốc, sau 20 năm, 4 kỳ kế hoạch 5 năm, họ đã có Samsung, Huyndai..., Trung Quốc cũng vậy.

Một nền kinh tế mạnh cần phải có cơ chế cho những doanh nghiệp lớn mạnh, trụ cột, tiên phong, để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, đầu tư vào cả khởi nghiệp sáng tạo.

Cách đi của Vingroup, Thaco... có phải là cách gây dựng lực lượng doanh nghiệp như ông nói?

Thaco đang tạo ra chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù trong chuỗi này, cơ bản vẫn là các doanh nghiệp do Thaco đầu tư, nhưng đã thay thế được hàng nhập khẩu. Đây là bằng chứng thực tế cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi rất khó do không đạt chuẩn, nhưng mô hình này sẽ dần tạo sự lan tỏa, kích thích mong muốn nâng chuẩn của doanh nghiệp Việt, cả quy mô và năng lực cạnh tranh...

Bước tiến của Vingroup rất rõ ràng, đang bước nhanh lên nấc thang hiện đại. Những gì chúng ta nhìn thấy, rõ ràng, họ đang làm như họ cam kết, họ làm thật ở rất nhiều lĩnh vực. Đây là điều quan trọng, vì khi Việt Nam đã hội nhập, nhất là trong sân chơi đẳng cấp cao của CPTPP, tới là EVFTA, chỉ làm thật mới có chỗ đứng.

Tất nhiên, con đường còn dài, nhưng các doanh nghiệp đã đi và phải có phần thưởng cho những người thắng cuộc với nguyên tắc không gây méo mó thị trường, nhưng đủ hấp dẫn các doanh nghiệp tiên phong.

Cộng đồng cũng phải thay đổi cách nghĩ về doanh nghiệp tư nhân, đừng thấy họ lớn, họ mạnh là đem ra mổ xẻ, nghi ngờ. Để đất nước có một lực lượng doanh nhân đàng hoàng, có năng lực, mất rất nhiều thời gian, công sức. Cần phải thay đổi triệt để phương thức phát triển, kéo theo đó là cả một nền văn hóa.

Chiến tranh thương mại là cơ hội để Việt Nam giải quyết vấn đề của mình

Cuối năm 2018, TS. Trần Đình Thiên đã có dịp gặp nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh ở Thâm Quyến (Trung Quốc) - một trong những đầu mối gắn với chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ, Âu. Họ nói đang tìm kiếm cơ hội dịch chuyển đến ASEAN, nhưng cũng không nhanh được vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung - lý do buộc họ dịch chuyển - không thể chốc nhát và quá trình di chuyển một nhà máy cũng khoảng vài ba năm. “Việt Nam có thời gian chuẩn bị cho việc chọn lựa dòng chuyển dịch này. Chúng ta không thể thờ ơ, nhưng không thể vội vàng”, ông Thiên nói.

Cơ hội lựa chọn lần này có gì khác với việc tận dụng chính sách Trung Quốc +1 của các nhà đầu tư, thưa ông?

Logic kinh tế là khi tiền lương tăng hay trình độ phát triển của kinh tế bản địa tăng, sẽ có sự dịch chuyển, thường là chuyển những thế hệ công nghệ thấp, thâm dụng lao động.

Lần này, sự chuyển dịch là ồ ạt, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc mà cả các doanh nghiệp Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam chọn những doanh nghiệp, dự án mà nền kinh tế cần, nhưng cũng là thách thức về năng lực lựa chọn.

Cũng phải thừa nhận, nền kinh tế Trung Quốc mạnh lên nhờ khu vực FDI rất nhiều. Nhờ thu hút FDI mà Trung Quốc cải cách mạnh mẽ, thu hút được công nghệ, vốn, nhân lực... để thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước.

Có một logic nữa là, các doanh nghiệp lớn, đầu tư dài hạn, công nghệ cao sẽ chọn nơi có môi trường thể chế tốt, có lực lượng doanh nghiệp nội địa đủ sức tham gia chuỗi giá trị... Chúng ta phải có cơ chế, thậm chí xây dựng cơ chế, chính sách mới để chọn được dòng vốn FDI tạo lan tỏa, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.

Và còn những động lực nào để giải quyết các vấn đề của kinh tế Việt Nam năm 2019 và tiếp sau?

Tôi phải nhấn mạnh là lấy ổn định làm trọng để xử lý tăng trưởng. Xu hướng cải cách đang ngày càng rõ ràng, đi cùng với đó là những trở lực không nhỏ, nhưng chính chúng sẽ thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ hơn.

Cải cách thể chế tiếp tục là động lực quan trọng. Đây không phải lúc chỉnh sửa, mà phải làm mới, thay đổi cơ chế, chính sách. Điều này chúng ta đã đặt ra, đang làm, nhưng phải làm kiên quyết, để khơi thông các thị trường nhân tố sản xuất, giảm rủi ro kinh doanh, khơi thông các dòng vốn, thay đổi cấu trúc thị trường.

Khi đó, thời cơ bứt phá, “biến hình” sẽ dành cho cả nền kinh tế, chứ không phải một vài doanh nghiệp nhanh chân hay một vài mối quan hệ nào.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục