Kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng mới

(ĐTCK) Trước thềm Xuân mới 2015, trao đổi với ĐTCK, CEO nhiều ngân hàng thương mại bày tỏ cái nhìn lạc quan về triển vọng hồi phục của nền kinh tế trong năm 2015, năm bản lề của kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế. 
Kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng mới

Song các CEO cũng gặp nhau ở quan điểm, hoạt động của ngành ngân hàng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chất lượng tín dụng vẫn phải là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng.

“Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn”

Ông Nirukt Sapru,Tổng giám đốc Standard Chartered (Việt Nam)
 

Chúng tôi lạc quan về triển vọng của Việt Nam trong năm 2015. Triển vọng kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được nhiều tổ chức xếp hạng quốc tế nâng bậc xếp hạng. Điều này tiếp tục khẳng định, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với thành tích xuất khẩu ấn tượng và chú trọng tham gia các hiệp định thương mại tự do. Các thỏa thuận này, cùng với các cam kết với WTO về dỡ bỏ tất cả các rào cản đối với nhà bán lẻ nước ngoài vào năm 2015 sẽ biến Việt Nam thành một địa điểm đầu tư rất hấp dẫn. Nhiều công ty lớn đã liệt kê Việt Nam vào chuỗi cung ứng của họ.

Trong khi khu vực FDI tiếp tục là nguồn động lực tăng trưởng quan trọng, khối DN trong nước vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Có thể liệt kê một số rủi ro lớn trong năm 2015 như sau: Thứ nhất, tiến độ tái cấu trúc chậm chạp của khối DNNN và lĩnh vực  ngân hàng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính vĩ mô. Thứ hai, giá dầu toàn cầu giảm có thể ảnh hưởng đến nguồn thu của Chính phủ, đến chi ngân sách và đầu tư công. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy, gần đây, Chính phủ đã có những nỗ lực để giảm thiểu tác động trên. Thứ ba, đồng USD đang mạnh lên, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ có thể nâng lãi suất năm 2015, các thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với thách thức và sự yếu đi của các đồng tiền châu Á có thể gây nguy cơ sụt giảm đồng Việt Nam trong 6 tháng đầu 2015.

“Duy trì hoạt động theo phương châm an toàn”

Ông Phan Huy Khang,,Tổng giám đốc Sacombank
 

Trước bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, chúng tôi xác định vẫn duy trì hoạt động theo phương châm “Tăng trưởng an toàn – Hiệu quả bền vững”, tiếp tục tái cơ cấu nguồn vốn, sử dụng vốn theo hướng phân tán, ổn định, gia tăng hiệu quả; tăng trưởng tín dụng phù hợp với sự hồi phục của nền kinh tế, đặc biệt tập trung đẩy mạnh hơn nữa cho hoạt động bán lẻ. Trong đó, chú trọng hoạt động thẻ, ngân hàng điện tử; tăng cường nâng cao hoạt động dịch vụ mảng doanh nghiệp để tạo nền tảng thu nhập ổn định; tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường ngăn chặn nợ xấu. Năm 2015, Sacombank đặt kế hoạch tổng tài sản tăng 14%, tổng vốn huy động tăng 15%, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% và lợi nhuận trước thuế đạt cao hơn năm 2014.

“2015 vẫn là năm đầy thách thức với ngành ngân hàng”

Ông Trần Ngô Phúc Vũ,Tổng giám đốc Nam A Bank
 

Mặc dù có một số tín hiệu lạc quan, nhưng tôi cho rằng, năm 2015 vẫn là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng, khi sức khỏe của doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục và vẫn còn những khó khăn nhất định.

Hoạt động ngân hàng, nhất là tín dụng vẫn phải thận trọng, để hạn chế tối đa nợ xấu, mới mong có kết quả lợi nhuận. Vì sang năm, các ngân hàng phải áp dụng các quy chuẩn mới của Thông tư 36 hướng theo thông lệ quốc tế. Trước mắt, đây chính là khó khăn đối với hoạt động của ngành ngân hàng.

Lợi nhuận 2014 của Nam A Bank vượt chỉ tiêu đề ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ vượt không nhiều. Vả lại, chỉ tiêu lợi nhuận Nam A Bank đưa ra cho năm nay ở mức 210 tỷ đồng trước thuế cũng là con số thấp hơn so với kế hoạch xây dựng cho một năm trước đó, nhưng lại cao hơn so với thực hiện 185 tỷ đồng của năm 2013. Trước tình hình hiện nay, khó có thể kỳ vọng được lợi nhuận cao, nhất là khi rủi ro nợ xấu tăng trong hoạt động tín dụng tăng. Vì thế, với Nam A Bank cùng với quá trình tái cấu trúc mở rộng phát triển thì mục tiêu quan trọng được đặt lên hàng đầu chính là kiểm soát rủi ro nợ xấu trong cho vay.

“Chưa thể trông chờ vào một cú bật mạnh”

Ông Phạm Hồng Hải,Tổng giám đốc HSBC Việt Nam
 

Nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2015, nhưng tôi không trông chờ một cú bật mạnh.

Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là, nền kinh tế thế giới đang phục hồi chậm chạp. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại song phương đã và đang được ký kết cộng với kỳ vọng về TPP sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2015. Chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ tiếp tục thận trọng và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế ổn định. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ tốt hơn trong năm 2015, song khó kỳ vọng có sự thay đổi đột biến do sức cầu của nền kinh tế vẫn yếu và kinh tế thế giới vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Các ngân hàng vẫn phải giải quyết bài toán thanh khoản dư thừa ngắn hạn, dẫn đến việc cạnh tranh khốc liệt trong việc cho vay bằng việc hạ lãi suất vay trong khi tốc độ giảm lãi suất huy động chậm hơn rất nhiều. Song, các ngân hàng cần hết sức thận trọng, vì việc cạnh tranh bằng mọi giá có thể tạo các khoản lỗ cho ngân hàng, đẩy nợ xấu tăng cao.

Ngồi vào ghế “nóng” Tổng giám đốc HSBC trong thời điểm thị trường tiền tệ còn khó khăn và thách thức nhất định, đồng thời đây là lần đầu tiên HSBC Việt Nam bổ nhiệm CEO người Việt, áp lực với tôi rất lớn. Tuy nhiên, HSBC có một lợi thế rất lớn mà rất ít ngân hàng có được, đó chính là mạng lưới chi nhánh trên 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì vậy, việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho HSBC trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

“Chưa thể kỳ vọng lợi nhuận trong giai đoạn tái cấu trúc”

Ông nguyễn  Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB
 

OCB đang trong quá trình thực hiện tái cấu trúc ngân hàng. Thực ra, nếu chỉ để đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc theo đề án của Ngân hàng Nhà nước thì không quá khó khăn, nhưng để đáp ứng được kỳ vọng tái cấu trúc của OCB thì còn nhiều thách thức.

Đối với OCB thì chưa thể kỳ vọng tiến trình tái cấu trúc nhanh như một số ngân hàng lớn khác. Bởi quá trình tái cấu trúc đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Vì thế, có thể trong giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng chưa thể kỳ vọng lợi nhuận, nhưng tiềm năng tăng trưởng trong tương lai rất tốt. OCB cũng đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng và chúng tôi đang trong giai đoạn triển khai kế hoạch này. Như vậy, tiềm lực tài chính của OCB sẽ dần được nâng lên trong năm tới để đẩy mạnh tái cơ cấu.

Với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra năm nay ở mức 350 tỷ đồng, nhiều khả năng, chúng tôi có thể đạt được. Nợ xấu OCB đang giảm và càng ngày càng xa so với mức trung bình của thị trường. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là mối lo của các ngân hàng. Lợi nhuận ngân hàng hiện nay phụ thuộc vào kết quả xử lý nợ, nên chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho 2015 cũng được tính toán kỹ.

“Đặt nền tảng vững chắc cho một giai đoạn tăng trưởng mới”

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB
 

Tuy chưa hoàn toàn thoát ra khỏi suy thoái, nhưng kinh tế Việt Nam thực sự đã có những biến chuyển tích cực và ấn tượng trong năm 2014. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những thành công đáng khích lệ, đặt nền tảng vững chắc vào một giai đoạn tăng trưởng mới, bắt đầu từ năm 2015.

Một là những dấu hiệu phục hồi tích cực và rõ nét của nền kinh tế. Các chính sách sau một “độ trễ” nhất định về thời gian dường như đã phối hợp nhịp nhàng trong việc định hướng và kích thích tăng trưởng kinh tế trở lại sau suy thoái. Niềm tin trở lại với các DN Việt Nam khi họ nhận ra những điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục và tiến tới mở rộng sản xuất - kinh doanh trong năm 2015: giá dầu giảm, tỷ giá USD và thị trường vàng ổn định, lãi suất huy động và cho vay giảm, kiều hối gia tăng, dự trữ ngoại hối tăng mạnh…

Hai là viễn cảnh rất sáng sủa của việc thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Xu hướng này sau khi bị đình trệ trong vài năm gần đây đã chuyển hướng trở lại với đà thúc đẩy của năm 2014, với những tín hiệu tích cực trên bình diện thế giới và trong nsớc.

Ba là những thành công bước đầu trong công tác xử lý nợ xấu, vấn đề được xem là nan giải nhất, là nút thắt của nền kinh tế trong mấy năm qua. Hàng loạt biện pháp xử lý nợ đã được Chính phủ, NHNN và các NHTM triển khai, trong đó nổi bật hơn cả là việc thành lập Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) và cơ chế mua bán nợ giữa đơn vị này với các TCTD. Khối lượng nợ xấu mà VAMC mua vào đã tương đối lớn, cho phép kỳ vọng vào khả năng giải quyết tích cực và triệt để nợ xấu trong năm 2015. Nói một cách hình ảnh, thị trường mua bán nợ ở Việt Nam  trong năm 2015 sẽ vừa có đủ lượng “hàng hóa” để mua bán, vừa được quản lý bằng những cơ chế thoáng hơn, linh hoạt hơn khi vận hành.

Hồng Dung - Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục