Đây là một kết quả khá ấn tượng nếu xét về lực cầu không mấy sáng sủa trên toàn cầu.
Nghiên cứu này khá tương đồng với số liệu trong Báo cáo tình hình kinh tế 9 tháng và tháng 9 năm 2014 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS), vừa công bố. Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 13,2% và 12,1% so với cùng kỳ năm trước, với mức xuất siêu đạt gần 1 tỷ USD, bằng 0,9% kim ngạch xuất khẩu.
Một chuyên gia kinh tế cho biết, hoạt động sản xuất cũng duy trì đà cải thiện từ quý III/2013. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục tăng kể từ tháng 7/2013 (trừ tháng Tết do yếu tố mùa vụ). Tính chung 9 tháng đầu năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,4% (cùng kỳ năm trước 5,4%), trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% (cùng kỳ năm trước tăng 6,8%); sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 8,3%).
HSBC Việt Nam phối hợp với Công ty Markit Economics, vừa chia sẻ Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, PMI đã tăng từ mức 50,3 điểm trong tháng 8 lên 51,7 điểm trong tháng 9. Kết quả chỉ số cho thấy có sự cải thiện mạnh mẽ hơn về các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 9, dù mức độ cải thiện vẫn khiêm tốn.
Nhận định về tác động của sức cầu quốc tế với sản xuất trong nước, Bà Trinh Nguyễn, Chuyên viên kinh tế HSBC cho rằng: “Hoạt động sản xuất tăng trưởng phản ánh nhu cầu ở thị trường nước ngoài đã được cải thiện. Trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn hàng tồn kho, chúng tôi nghĩ rằng, sản lượng tiếp tục tăng trong tháng tới. Việc giảm áp lực lạm phát cũng có tác dụng, thể hiện ở tốc độ tăng giá đầu vào chậm hơn. Chúng tôi kỳ vọng, lĩnh vực sản xuất phát triển tốt trong quý IV/2014 khi Việt Nam có năng lực cạnh tranh về chi phí lao động, điện và nước. Những tin tốt được chờ đợi trong năm 2015 hoặc 2016 về tự do hóa thương mại cũng sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất”.
Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế cho biết, chỉ số tiêu dùng của người dân được cải thiện rất nhiều so với năm trước. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) trong 9 tháng đầu năm 2014 luôn tăng cao hơn cùng kỳ năm 2013: 9 tháng/2014 tăng 6,2%, so với 5,3% của cùng kỳ 2013. Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết và đại chúng được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2014, ROA, ROE của khu vực doanh nghiệp phi tài chính lần lượt đạt 1,44% và 3,57%, tương ứng tăng 0,22 và 0,41 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2013.
Báo cáo của UBGS nhận định, đà phục hồi kinh tế được duy trì và tốc độ có dấu hiệu chuyển biến nhanh hơn, nhất là trong quý III/2014. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP liên tục tăng kể từ quý I/2014. Riêng trong quý III/2014, tốc độ tăng trưởng cao hơn gần 1 điểm phần trăm so với quý trước (6,15% so với 5,25%) và cũng cao hơn số dự báo trong báo cáo tháng 6/2014 của UBGS (5,79%). Loại trừ yếu tố mùa vụ, tăng trưởng thậm chí đã duy trì xu hướng tăng kể từ quý II/2013. Như vậy, đà phục hồi tăng trưởng quý III đang tạo điều kiện thuận lợi để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho cả năm.
“Dự báo cả năm 2014, CPI khó vượt quá 4,5% so với tháng 12/2013, nền kinh tế đã thoát đáy”, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nói.
Bà Trinh Nguyễn cho biết, HSBC kỳ vọng Việt Nam có thể duy trì mức thặng dư thương mại nhờ nguồn lao động cạnh tranh, miễn là các công ty trong nước, đặc biệt là các công ty nhà nước không có những gói tín dụng lớn dẫn tới sử dụng các gói này để nhập siêu và bóp méo cán cân thương mại)… Đồng thời, các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam tạo cơ hội cho các công ty trong nước học hỏi công nghệ mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm và thu nhập cho người dân chưa có kỹ năng ở khu vực nông thôn.
“Tuy vậy, Nhà nước cũng phải hết sức chủ động đưa ra các chính sách để tối đa hóa các cơ hội đó và để đạt được điều này, các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện bước đầu tiên là giảm đầu tư lãng phí”, bà Trinh Nguyễn nói.