Kinh tế Trung Quốc suy yếu tác động ra sao đến Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), kinh tế Trung Quốc suy yếu tác động đến cả hoạt động thương mại và thu hút đầu tư FDI của Việt Nam. Trong đó, nhiều ngành nghề và sản phẩm của Việt Nam cũng nằm trong nhóm bị ảnh hưởng.
Kinh tế Trung Quốc suy yếu tác động ra sao đến Việt Nam?

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy yếu do cả ngoại lực và nội lực

Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, từ đầu năm 2023, Trung Quốc hoàn toàn gỡ bỏ chính sách Zero - Covid, mở cửa nền kinh tế trở lại. Rất nhiều chuyên gia kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ từ nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh sau 2 năm dịch bệnh. Tuy nhiên, GDP quý II/2023 nước này chỉ đạt 6,3%, thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 7,3% và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại sau hơn 30 năm tăng trưởng thần tốc.

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI và CPI lõi đạt -0,2% và 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6 làm dấy lên lo ngại về khả năng giảm phát kéo dài tại Trung Quốc.

Ngoài các yếu tố khách quan như chính sách thắt chặt trên toàn cầu, KB Việt Nam nhận thấy quốc gia này cũng đang trải qua những sự biến đổi chủ quan từ bên trong.

Từ khi mở cửa thương mại và cải cách nền kinh tế, Trung Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhờ vào bốn yếu tố: chi tiêu khổng lồ từ Chính phủ cho cơ sở hạ tầng; khu vực sản xuất thâm dụng lớn vốn và lao động (các ngành công nghiệp nặng, may mặc, chế biến, chế tạo..); chính sách tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu và các yếu tố con người.

Tuy nhiên, sau biến động của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại rõ nét và có khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng giai đoạn trước dần biến mất.

Trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc đã thi hành nhiều biện pháp để kích thích nền kinh tế, bao gồm các đợt hạ lãi suất chính sách và các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, thị trường ô tô như giảm thuế, gia hạn nợ... Dù vậy, nhóm chuyên gia KBVN cho rằng, tác động của những chính sách này là tương đối hạn chế vì vấn đề chính nằm ở phía cầu.

“Những thách thức của nền kinh tế Trung Quốc không mang tính chu kỳ mà thuộc về cấu trúc nền kinh tế. Dù muốn hay không, kinh tế Trung Quốc cũng đang trong quá trình dịch chuyển khỏi nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ bất động sản và xuất khẩu. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách phải nghĩ đến những giải pháp dài hơi hơn, nhằm tái cấu trúc lại nền kinh tế”, KBSV nhận định.

Để đối phó với khả năng trì trệ nền kinh tế kéo dài, Trung Quốc đã nỗ lực tái thiết cả về xã hội và kinh tế. Cụ thể, để khắc phục tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, ngày 31/5 Trung Quốc đã cho phép sinh con thứ ba, cũng như ban hành hàng loạt giải pháp như: hủy bỏ thu phí với công dân sinh vượt quá số con quy định, giảm chi phí học tập, trợ cấp các chi phí chăm sóc, nhà trẻ....

Về giải pháp kinh tế, kế hoạch “Made in China 2025” cũng thể hiện mục tiêu đưa Trung Quốc từ một quốc gia sản xuất trong các ngành lắp ráp, chế tạo ít giá trị gia tăng và các ngành công nghiệp nặng gây ảnh hưởng lớn tới môi trường tập trung sản xuất các ngành công nghệ cao như ô tô điện, viễn thông, rô bốt, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn đi kèm với sự mở rộng kiểm soát của Chính phủ với các lĩnh vực này.

Mục tiêu của Trung Quốc là giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tiến đến dẫn đầu sản xuất công nghệ trên toàn cầu. Tuy nhiên, kế hoạch của Trung Quốc đang bị lên án gay gắt từ phía Mỹ và các nước có nền công nghệ tiên tiến, khi các chính sách dựa trên sự phân biệt đối xử đối với đầu tư nước ngoài, buộc chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, gián điệp mạng, đều là yếu tố khơi mào cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các quan chức tại Mỹ đều coi kế hoạch của Trung Quốc là một vấn đề an ninh quốc gia.

Tác động đến Việt Nam từ góc nhìn thương mại và thu hút FDI

Từ góc nhìn hoạt động thương mại, các chuyên gia KBSV cho rằng, sự suy yếu trong nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc tác động tới đà hồi phục của kinh tế toàn cầu, từ đó tạo áp lực giảm giá lên nhiều hàng hóa.

Trong năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Nhu cầu yếu sẽ làm ảnh hưởng tới các ngành nghề có tỷ lệ xuất khẩu cao sang Trung Quốc như gỗ, giấy, rau củ...

Thêm vào đó, việc đồng nhân dân tệ (CNY) giảm giá mạnh cũng đang gây áp lực lên hoạt động thương mại 2 nước khi mà áp lực nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng do hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên rẻ hơn. Các sản phẩm bị ảnh hưởng như hàng nông lâm thủy sản, đồ nội thất, sắt thép, vật liệu xây dựng... Đồng thời, tỷ giá trong nước cũng chịu áp lực tăng từ diễn biến giảm sâu của CNY.

Tuy nhiên, sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc cũng phần nào làm giảm rủi ro lạm phát trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Từ góc nhìn thu hút vốn đầu tư FDI, quá trình chuyển dịch nền kinh tế của Trung Quốc sẽ làm xáo trộn chuỗi giá trị và cung ứng trên toàn cầu. Bên cạnh các yếu tố thuộc về cấu trúc và rủi ro địa chính trị còn dai dẳng sẽ là động cơ để các nhà sản xuất tìm kiếm các thị trường mới để đặt nhà máy sản xuất, trong đó có Việt Nam.

Đi kèm với sự tập trung vào các ngành công nghệ cao, các lĩnh vực chế biến chế tạo và công nghiệp nặng dần bị thu hẹp sẽ là điều kiện cho Việt Nam có thể mở rộng và tiếp tục duy trì tăng trưởng khi tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu với nhóm đối tượng này là tương đối lớn.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục