Dữ liệu kinh tế Trung Quốc tháng 7 không được như kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu vay tín dụng của các doanh nghiệp và hộ gia đình đang sụt giảm, bên cạnh các vấn đề trên thị trường bất động sản vẫn tồn tại khi nhà phát triển bất động sản Country Garden một thời vững mạnh giờ cũng đang trên bờ vực vỡ nợ.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc tháng 7 không được như kỳ vọng

Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, cho biết: “Dữ liệu tín dụng tháng 7 yếu cho thấy vòng xoáy đi xuống của lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục và căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang đang làm tăng thêm tâm lý lo ngại cho thị trường. Các công ty và hộ gia đình tại Trung Quốc đang cắt giảm các khoản vay do môi trường kinh doanh bất ổn và thiếu niềm tin vào thị trường”.

Các khoản vay ngân hàng mới bằng đồng nội tệ đã giảm 89% trong tháng 7 so với tháng 6, xuống còn 345,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 47,64 tỷ USD), thấp hơn một nửa so với mức 800 tỷ nhân dân tệ mà các nhà phân tích đã dự đoán trước đó.

Theo Reuters, khối lượng khoản vay mới bằng đồng nhân dân tệ trong tháng 7 là thấp nhất kể từ cuối năm 2009 đến nay.

Xiangrong Yu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Citi cho biết trong một báo cáo rằng, những con số này đang ở mức đáy vì chính phủ Trung Quốc mới đây đã có các động thái chính sách có thể đã làm tăng một số nhu cầu trên thị trường.

“Tuy nhiên, tất cả các yếu tố khả quan không thể che lấp dấu hiệu nhu cầu tín dụng yếu và mức độ chấp nhận rủi ro của thị trường thấp”, các nhà phân tích cho biết, đồng thời lưu ý đến kỳ vọng NHTW nước này sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 9. Nếu không có những cắt giảm như vậy, họ dự đoán rủi ro Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.

Trung Quốc đã báo cáo dữ liệu nền kinh tế tháng 7 nhìn chung không đạt kỳ vọng. Tuy nhiên báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) không bao gồm con số thất nghiệp của thanh niên nước này, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên tại Trung Quốc đã tăng cao kỷ lục trong những tháng gần đây.

Doanh số bán lẻ tăng 2,5% trong tháng 7 so với một năm trước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 4,5% của các nhà phân tích được Reuters thăm dò trước đó. Sản xuất công nghiệp tăng 3,7% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 4,4% mà các nhà phân tích dự đoán.

Tỷ lệ đầu tư tài sản cố định đã tăng 3,4% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo 3,8% của các chuyên gia kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng lên 5,3% trong tháng 7 từ mức 5,2% trong tháng 6.

Trái ngược với các báo cáo trước đó, bản báo cáo mới nhất của NBS không phân tỷ lệ thất nghiệp theo độ tuổi. Trong đó nhóm tuổi từ 16 - 24 đã chứng kiến ​​tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung, đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6/2023.

Tính từ đầu năm đến nay, hoạt động đầu tư bất động sản đã giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 7, mức giảm lớn hơn so với tháng 6.

Doanh số bán lẻ trực tuyến hàng hóa dù đã tăng 6,6% trong tháng 7 so với một năm trước, nhưng vẫn giảm mạnh so với mức tăng hai con số trong những tháng gần đây.

Sau khi bước đầu hồi phục từ đại dịch Covid-19 vào đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với những vấn đề tồn tại đã từ lâu và nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm của nước này đang chậm lại.

Xuất khẩu trong tháng 7 giảm mạnh 14,5% so với cùng kỳ, sau khi giảm 12,4% trong tháng 6. Hoạt động của nhà máy vào tháng 7 tiếp tục giảm, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp.

Lượng nhu cầu trong nước vẫn trầm lắng trừ mảng du lịch. Hoạt động nhập khẩu cũng giảm 12,4% so với cùng kỳ trong tháng 7 và hoạt động nhập khẩu đã giảm trong hầu hết các tháng của năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo chủ chốt của lạm phát, trong tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đi ngang trong tháng 6 cũng làm nhiều chuyên gia lo lắng về việc Trung Quốc sẽ rơi vào giảm phát.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục