Kinh tế Trung Quốc suy yếu không hẳn là tin xấu đối với thị trường toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát đang thúc đẩy sự lo lắng trên khắp các thị trường tài chính, nhưng các nhà quản lý tiền tệ cho rằng đó không hẳn là một điều xấu.
Kinh tế Trung Quốc suy yếu không hẳn là tin xấu đối với thị trường toàn cầu

Theo EdenTree Investment Management và Gama Asset Management SA, giá cả giảm tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng dẫn đến chi phí thấp hơn trên toàn cầu do Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Lạm phát giảm sẽ cho phép các ngân hàng trung ương hạn chế tăng lãi suất hơn nữa, và có thể chuyển hướng sang nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng đang chậm lại.

Viễn cảnh áp lực giá cả toàn cầu chậm lại có thể là một trong số ít những tác động khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát khi nền kinh tế phải vật lộn để duy trì giai đoạn phục hồi hậu Covid. Lạm phát có khả năng vẫn sụt giảm do suy yếu từ lĩnh vực bất động sản và những rắc rối trong ngành ngân hàng ngầm hạn chế chi tiêu và đầu tư của cả người tiêu dùng và các công ty.

Christopher Hiorns, nhà quản lý danh mục đầu tư tại EdenTree Investment cho biết: “Một Trung Quốc suy yếu có thể dẫn đến đỉnh điểm trong việc thắt chặt tiền tệ. Nó cũng sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa, điều này sẽ làm giảm áp lực lạm phát và có thể cho phép các nền kinh tế phương Tây hoạt động nóng hơn".

Lạm phát ở Mỹ và các quốc gia khác đã tăng nhanh trong những năm sau đại dịch, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Tình trạng khó khăn của Trung Quốc thì khác, do nhiều tình huống khác nhau, trong đó có tình trạng bất động sản sụt giảm kéo dài đã làm tổn hại lòng tin và làm giảm chi tiêu.

Rajeev De Mello, nhà quản lý danh mục đầu tư vĩ mô toàn cầu tại Gama Asset Management cho biết: “Xu hướng tích cực là tình trạng giảm phát nhẹ và tăng trưởng chậm của Trung Quốc sẽ làm giảm lạm phát ở phần còn lại của thế giới thậm chí còn nhanh hơn. Tuy nhiên, một Trung Quốc chậm lại cũng sẽ dẫn đến sự chậm lại ở châu Á và châu Âu”.

Chắc chắn, tác động của giảm phát Trung Quốc đối với người tiêu dùng lớn nhất thế giới, Mỹ và các đối tác thương mại khác có thể là nhỏ và nhất thời. Việc Mỹ mua hàng hóa Trung Quốc đã giảm và xung đột Nga-Ukraine đang đẩy giá các mặt hàng như dầu mỏ lên cao.

“Trên quỹ đạo hiện tại, sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc sẽ có tác động hạn chế đối với nền kinh tế Mỹ hoặc tính toán của Cục Dự trữ Liên bang. Trong một kịch bản tiêu cực, khi Trung Quốc thực hiện không đầy đủ các biện pháp kích thích và tăng trưởng đi xuống, việc chuyển sang tâm lý ngại rủi ro và các điều kiện tín dụng toàn cầu chặt chẽ hơn có thể khiến Fed phải cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến”, các nhà kinh tế Bloomberg cho biết.

Ngoài ra, bất kỳ biện pháp kích thích nào nữa từ các nhà chức trách Trung Quốc có thể giúp ngăn chặn suy thoái kinh tế. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bất ngờ giảm lãi suất cơ bản nhiều nhất kể từ năm 2020 vào thứ Ba (15/8), phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế xấu đi.

Gary Dugan, giám đốc đầu tư của Dalma Capital Management Ltd. cho biết: “Sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và tình trạng giảm phát rõ ràng là nguyên nhân làm giảm lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi không tin rằng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ ngồi yên và chấp nhận tình trạng bất ổn hiện tại”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục