Báo cáo mang tên 2025 Global Economic Outlook: A Highly Uncertain World do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) công bố đầu tháng 2, đưa ra cái nhìn toàn diện về những động lực tăng trưởng cũng như rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế thế giới.
Báo cáo bao gồm phân tích từ nhà kinh tế học kỳ cựu, ông Charles Goodhart cùng ý kiến từ các giám đốc tài chính (CFOs) thuộc nhiều ngành công nghiệp.
Theo ông Charles Goodhart, Mỹ có thể duy trì mức tăng trưởng vững chắc trong năm 2025, nhưng bức tranh tại châu Âu và Anh kém lạc quan hơn khi những thách thức kinh tế vẫn còn hiện hữu. Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục được xem là nền kinh tế đầy tiềm năng với triển vọng mở rộng mạnh mẽ.
Về lạm phát, ông Goodhart dự báo giá cả có thể giảm nhẹ trong ngắn hạn nhưng sẽ đối mặt với áp lực gia tăng từ năm 2026, đặc biệt tại Mỹ. Một trong những yếu tố có thể tác động đến kinh tế toàn cầu là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông, AI khó có thể giải quyết toàn diện bài toán năng suất, nhưng có khả năng giúp thu hẹp bất bình đẳng trong nội bộ các quốc gia.
Ông Jonathan Ashworth, Chuyên gia kinh tế trưởng của ACCA, nhận định: “Nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức ổn định, nhưng không quá bùng nổ trong năm 2025. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn nghiêng về chiều hướng tiêu cực, đặc biệt là các biến động trong chính sách thương mại của Mỹ, xung đột địa chính trị, bất ổn chính trị và áp lực từ lãi suất trái phiếu chính phủ tăng cao".
Báo cáo của ACCA chỉ ra ba xu hướng chính có thể tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới trong năm 2025.
Một là sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo: AI đang thúc đẩy năng suất, nhưng việc tối ưu hóa hiệu quả vẫn cần sự kết hợp với các công nghệ khác để tạo ra giá trị bền vững.
Hai là phân mảnh địa kinh tế: Những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ có thể làm trầm trọng thêm xu hướng thoái lui khỏi toàn cầu hóa, đặt ra những rào cản mới đối với thương mại và đầu tư quốc tế.
Ba là sự thoái lui khỏi chính sách xanh: Áp lực chi phí sinh hoạt và sự thay đổi trong bối cảnh chính trị đang khiến các cam kết về khí hậu của nhiều quốc gia bị lung lay, đe dọa tiến trình phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng phản ánh quan điểm của bảy giám đốc tài chính từ nhiều ngành và khu vực khác nhau. Đa số CFOs đều có cái nhìn lạc quan thận trọng về triển vọng tăng trưởng, nhưng vẫn cảnh giác trước nhiều thách thức, từ điều chỉnh chính sách thương mại của Mỹ, bất ổn địa chính trị, lạm phát, đến nguy cơ an ninh mạng và tác động của biến đổi khí hậu.
AI tiếp tục là chủ đề trọng tâm trong chiến lược của doanh nghiệp, khi nhiều lãnh đạo nhận định rằng công nghệ này sẽ mang lại đột phá nhưng cũng có thể gây xáo trộn lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thích ứng với các quy định pháp lý mới và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Bước vào năm 2025, bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều biến động. Doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách sẽ phải liên tục điều chỉnh chiến lược để thích ứng với một thế giới đầy bất định, nơi những cơ hội và rủi ro luôn song hành.