Kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh nhưng còn nhiều rủi ro

Sau khi duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong năm 2007, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn trong năm 2008. Đây chính là nhận định trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

 

Trong năm 2007, tốc độ phát triển kinh tế nhanh của các thị trường mới nổi, đặc biệt ở châu Á, gần như đã bù lại được mức tăng trưởng chậm lại ở Mỹ và các nước có nền kinh tế bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng cầm cố thế chấp Mỹ kéo theo tình trạng xáo động trên các thị trường tài chính thế giới.

 

Kể từ năm 2004, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã nhanh hơn và ổn định hơn bất cứ thời điểm nào trong 30 năm trước. Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2006, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững ở mức 3,25%. Các chính sách tài chính và tiền tệ được cải thiện đã giúp củng cố sự ổn định và tăng trưởng.

 

Kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng 4,8% trong năm 2008 sau khi tăng khoảng 5,2% năm 2007 nhờ các yếu tố cơ bản nhìn chung vẫn hiệu quả và hoạt động của các nền kinh tế thị trường mới nổi vững chắc.

 

Theo IMF, tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển của châu Á, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ đạt mức tăng ấn tượng là 9,8% và 8,8% trong năm 2007 và 2008 theo thứ tự. Một số nước châu Phi cận sa mạc Xahara đều trải qua thời kỳ phát triển nhanh nhất trong hơn 40 năm qua.

 

Các nền kinh tế thị trường mới nổi, như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, đã trở thành "nguồn ổn định cho nền kinh tế toàn cầu". Những nước này đã khắc phục được những biến động tài chính tương đối tốt nhờ tăng trưởng toàn cầu vững mạnh và quá trình hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô ở trong nước được cải thiện. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn là cần thiết.

 

Kinh tế toàn cầu đang ngày càng cậy dựa vào các nền kinh tế mới nổi này với 50% tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2007 xuất phát từ 3 nước nói trên.

 

Những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu và giá dầu tăng đã trở thành bóng mây bao phủ bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới và làm gia tăng những rủi ro trong tương lai.

 

Nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới chính là những bất ổn trên thị trường tài chính xuất phát từ lĩnh vực thế chấp không đủ tiêu chuẩn mang lại những rủi ro cao cho nền kinh tế Mỹ khi các ngân hàng cho những người mua nhà có lịch sử tín dụng yếu kém vay. Một số lượng lớn các ngân hàng và các cơ sở cho vay đã bị ảnh hưởng và tình hình tín dụng thế giới trở nên dễ biến động.

 

Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng cầm cố thế chấp dưới tiêu chuẩn này khiến IMF đã phải điều chỉnh giảm dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2007 và 2008 xuống 1,9%, thấp hơn 1% so với dự đoán 2,9% năm ngoái và thấp hơn 0,9% so với dự đoán ban đầu về tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2008.

 

Các nước như Canađa, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản dường như chịu tác động mạnh nhất từ cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính của Mỹ và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong năm 2008 là điều khó có thể tránh.

 

Theo IMF, nhiệm vụ trước mắt đối với các nhà hoạch định chính sách là khôi phục trở lại bình thường các điều kiện thị trường tài chính và bảo đảm tiếp tục mở rộng các hoạt động.

 

Bên cạnh các vấn đề tài chính, một số hiện tượng khác dường như có vẻ đột ngột và đáng báo động hơn như giá dầu cao kỷ lục và giá lương thực tăng mạnh ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển dẫn đến nguy cơ lạm phát.

 

Những rủi ro khác bao gồm những tác động vào các thị trường mới nổi trước luồng vốn tăng mạnh và tình trạng gia tăng mất cân đối toàn cầu. Bên cạnh đó là những vấn đề dài hạn như tình trạng già hóa dân số, gia tăng xu hướng phản đối toàn cầu hóa, những cơ hội và rủi ro đan xen trong nền kinh tế thế giới.

 

IMF gợi ý chìa khóa trong những năm tới đây là đảm bảo các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và không có sự gián đoạn lớn. Tự do hóa thương mại sẽ tiếp tục, cho phép luồng vốn lưu thông tạo ra nhiều cơ hội hiệu quả hơn ở các nước nghèo. Quan trọng hơn cả là lợi ích tăng trưởng sẽ phải được chia sẻ rộng rãi khắp toàn bộ các nước cũng như đông đảo mọi người đều có thể được hưởng trong phạm vi nước mình.

 

Để đối phó với những cú sốc như cuộc khủng hoảng cầm cố thế chấp của Mỹ và những biến động tài chính toàn cầu trong năm 2007, IMF cần phải hợp tác với các thể chế kinh tế của các nước khác để cùng đưa ra những dự báo về khả năng xảy ra các cú sốc nghiêm trọng khác, những tác động tích cực và tiêu cực, phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các chính sách và cơ chế hiện nay có thể khắc phục được những cú sốc này.


THX

Tin cùng chuyên mục