Kinh tế tháng 2: Giải tỏa áp lực lên lạm phát

Dù mức tăng 0,8% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 không có gì là bất thường, song con số này vẫn cho thấy, Việt Nam không thể lơ là với mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay.
CPI tháng 2/2019 tăng 0,8%, đây là mức tăng cao nhất của CPI các tháng 2 tính từ năm 2014 trở lại đây. CPI tháng 2/2019 tăng 0,8%, đây là mức tăng cao nhất của CPI các tháng 2 tính từ năm 2014 trở lại đây.

Nói không bất thường là bởi, dù mức tăng 0,8% là khá cao so với mức tăng 0,1% của tháng 1/2019, nhưng nếu so với mức tăng CPI của các tháng 2 của nhiều năm trở lại đây, thì tăng như vậy là không có gì đáng ngạc nhiên. Tháng 2 thường trùng vào dịp Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao, nên CPI thường tăng cao. Đơn cử, tháng 2/2010, CPI tăng tới 1,96% so với tháng trước đó. Thậm chí, tháng 2/2011, mức tăng còn đẩy lên 2,09%.

Tuy vậy, nếu so với các năm từ 2014 trở lại đây, việc CPI tháng 2/2019 tăng tới 0,8% cũng là điều cần quan tâm. Đây là mức tăng cao nhất của CPI các tháng 2. Tháng 2 năm ngoái, con số này chỉ là 0,73%; tháng 2/2014 là 0,23%; còn tháng 2/2015, thậm chí CPI còn tăng âm (giảm 0,05%). Tốc độ tăng CPI đang tăng dần.

Trong khi đó, nếu tính bình quân, mặc dù mức tăng 2,6% của CPI hai tháng đầu năm 2019 không phải là cao trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2014 tới nay, mức tăng CPI bình quân 2 tháng đầu năm lần lượt là 0,64%; 1,03%; 5,12%; 2,9% và 2,6%).

Song con số này cũng không phải là thấp. Năm ngoái, sau 2 tháng, khi CPI bình quân - chỉ số dùng được tính làm chỉ số lạm phát của Việt Nam - tăng 2,9%, rất nhiều cảnh báo về nguy cơ lạm phát cao quay trở lại. Năm nay, có lẽ vẫn cần phải nhắc lại điều này, nhất là khi nhiều dự báo cho rằng, có nhiều yếu tố khó lường sẽ tác động tới giá cả thị trường, nhất là những ẩn số liên quan đến chi phí đẩy.

Đầu năm nay, Viện Kinh tế tài chính đã đưa ra 3 kịch bản lạm phát năm 2019. Trong đó, với kịch bản thấp, giá dầu tiếp tục giảm và tỷ giá VND/USD tăng 1%, thì lạm phát trung bình cả năm khoảng 2,5%. Kịch bản trung bình, lạm phát trung bình tăng 3%. Còn kịch bản cao, giả định giá xăng dầu tăng mạnh trở lại và tỷ giá có mức tăng tương đương với mức tăng trong năm 2018, đồng thời Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình, thì lạm phát trung bình cả năm 2019 cũng không cao hơn mức 3,54% của năm 2018.

Nhìn vào 3 kịch bản này, có thể thấy, về tổng thể, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được. Nhiều khẳng định của các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, áp lực lạm phát trong năm nay sẽ không quá lớn, nhất là khi giá xăng dầu, giá thịt lợn… đang trong xu hướng giảm.

Tuy nhiên, chưa có gì là chắc chắn. Còn 10 tháng nữa, rất có thể tình hình sẽ diễn biến bất ngờ, nhất là khi kinh tế thế giới đang ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn. Lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu kết thúc… có thể sẽ tạo áp lực lên đồng USD, lên giá cả hàng hóa thị trường thế giới, qua đó tác động tới lạm phát của Việt Nam.

Chưa kể, các chính sách tài chính, tiền tệ phục vụ mục tiêu tăng trưởng cho năm đột phá 2019; độ trễ của các chính sách nới lỏng tiền tệ từ năm ngoái; hay xu hướng tăng tổng phương tiện thanh toán M2 trong những năm gần đây, cũng như động thái tăng lương tối thiểu vùng, lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế… sẽ tạo ra áp lực đối với CPI năm 2019, giống như đã tạo ra áp lực trong năm 2018.

Bởi thế, không thể không cẩn trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, thậm chí phải cẩn trọng ngay từ đầu năm để tránh chỉ số này tăng mạnh, khó kiểm soát được trong những tháng cuối năm.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục