Kinh tế số: Nhiều cơ hội chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ để hướng đến nền kinh tế số, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển bền vững, bao trùm. Trong bối cảnh này, cộng đồng doanh nghiệp đứng trước nhiều cơ hội chưa từng có.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP

Tốc độ tăng trưởng cao

Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030 và Việt Nam sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.

Tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2023, kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP; trong đó, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chiếm gần 60%, kinh tế số ngành, lĩnh vực chiếm hơn 40%. Bộ Thông tin và Truyền thông dự báo, kinh tế số tại các ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục tăng trưởng và có những mô hình kinh tế mới khi ứng dụng kinh tế số trong cuộc sống.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam ở mức cao, khoảng 20%/năm, tương đương gấp 3 lần mức tăng trưởng GDP. Đặc biệt, thương mại điện tử tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, với quy mô đứng thứ ba trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

“Sự hấp thụ của người Việt Nam đối với các lĩnh vực kinh tế số ngày càng tăng và chúng tôi cũng hướng tới Top 3 trong khu vực ASEAN về kinh tế số”, ông Tuấn nói.

Bà Rita Mokbel, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam (đơn vị cung cấp hơn 50% nền tảng công nghệ 5G trên toàn cầu) nhận định, quá trình chuyển đổi số đem lại những lợi ích to lớn đối với các nền kinh tế, các xã hội và các doanh nghiệp.

Nhờ giải pháp công nghệ số, các chính phủ có thể khai phóng được tiềm năng của nền kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng kinh tế số thành công; người tiêu dùng được nâng cao trải nghiệm học tập, thụ hưởng các dịch vụ và các loại hình giải trí; doanh nghiệp có cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng nguồn thu...

Bà Rita dẫn chứng, sau khi được cung cấp mạng 5G riêng, các doanh nghiệp có thể vận hành nhanh hơn, linh hoạt hơn, giảm chi phí, nâng cao độ tin cậy. 5G mang lại lợi ích cho rất nhiều lĩnh vực như sân bay, cảng biển, y tế, đặc biệt là ngành sản xuất.

Đối với các nhà mạng viễn thông, nếu như trước đây chỉ tiếp cận được khách hàng cá nhân thì hiện nay, với mạng 5G, họ có thể tiếp cận doanh nghiệp, số hóa các doanh nghiệp đó và mang lại nguồn lợi mới.

Theo đó, các nhà mạng có thể xây dựng các tình huống sử dụng mới. Mạng 4G đã dẫn tới sự ra đời của nhiều ứng dụng mới như Uber, Grab, Facebook, Instagram…, nên mạng 5G sẽ có các ứng dụng mới, cũng như có thêm sự đổi mới sáng tạo vào các ứng dụng cũ.

Bên cạnh đó, khi các nhà mạng mở 5G cho các nhà sáng tạo giải pháp ứng dụng, các nhà mạng có thể trở thành một đối tác kết nối trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng các ứng dụng và mô hình kinh doanh mới.

Riêng đối với nhóm doanh nghiệp viễn thông, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, theo nghiên cứu gần đây của Tractica, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra gần 11 tỷ USD hàng năm cho các công ty viễn thông vào năm 2025 và dự báo sẽ tăng trưởng hơn nữa khi lĩnh vực ứng dụng AI tiếp tục mở rộng.

Khảo sát của Omdia năm 2024 cho thấy, hầu hết các nhà mạng đều tin tưởng rằng, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ trong vòng 2 năm tới và họ đang chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, ông Nhã cho rằng, tác động của AI tới các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Theo đó, AI sẽ tác động đến mọi hoạt động của doanh nghiệp từ vận hành mạng lưới, tiếp thị, bán hàng, quản trị doanh nghiệp, đo lường trải nghiệm của khách hàng. Do đó, những ưu điểm và xu hướng ứng dụng AI trong các nhà mạng viễn thông là tất yếu và mang yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp viễn thông.

Việt Nam dự định thương mại hoá 5G vào cuối năm nay, chậm nhất là đầu năm sau, nên các doanh nghiệp viễn thông đã và đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trung tâm dữ liệu. Tổng số trung tâm dữ liệu các doanh nghiệp đã đầu tư là 44, với tổng công suất thiết kế 181 MW; trong đó, 31 trung tâm đã cung cấp dịch vụ với tổng công suất 81 MW.

“Kinh doanh trung tâm dữ liệu và các dịch vụ liên quan đến dữ liệu sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp viễn thông trong tương lai gần”, ông Nhã nhấn mạnh.

Nhờ giải pháp công nghệ số, các doanh nghiệp có cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng nguồn thu...

Ông Hoàng Viết Tiến, Phó tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ, tháng 4/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép băng tần 5G cho 3 nhà mạng là MobiFone, Vinaphone, Viettel thông qua hình thức đấu giá các băng tần 2.6 và 3.5, thu về số tiền lên tới 12.700 tỷ đồng.

“Đây là minh chứng cho cam kết của doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ 5G trong thời gian tới. Trước mắt, doanh nghiệp làm hệ thống 5G phục vụ những khu vực có 4G hay bị nghẽn và tập trung phát triển 5G cho các khu vực có khu công nghệ cao, nhà máy thông minh, khu vực có yêu cầu kết nối mạng công nghệ cao, độ trễ thấp mà công nghệ 4G không đáp ứng được”, ông Tiến nói.

Đại diện cho đơn vị hợp tác trung gian, cung cấp giải pháp công nghệ cho người dùng cuối, ông Eric Yeo, Tổng giám đốc AWS Việt Nam nhận xét, Việt Nam là quốc gia có tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân, các doanh nghiệp nhiệt tình học hỏi, sẵn sàng sử dụng công nghệ mới, do đó đang đầu tư mạnh về nhân lực.

Nhiều công ty đang hợp tác với các đơn vị như AWS để đào tạo về 5G, AI, khoa học dữ liệu, điện toán đám mây... nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự.

Chẳng hạn, Techcombank đã hợp tác với AWS Việt Nam để triển khai mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models) đến 250 nhân viên (không chỉ công nghệ mà cả kinh doanh, kế toán...) để toàn bộ nhân viên của Ngân hàng học hỏi, tối ưu hoá mô hình ngôn ngữ lớn như GenAI cho phù hợp công việc.

Tương tự, tại VPBank, ngay từ cấp hội đồng quản trị và ban điều hành, họ trực tiếp học công nghệ mới như GenAI, theo hướng tiếp cận từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo đến các nhân viên. VIB gần đây sử dụng chương trình AWS Skill Builder để đào tạo cho tất cả nhân viên, đảm bảo họ sẵn sàng cho nền kinh tế số mới và được trang bị các kỹ năng về đám mây…

Một số kiến nghị

Ông Nguyễn Đình Tuấn, thành viên Hội đồng thành viên MobiFone cho biết, với doanh nghiệp viễn thông, triển khai 5G và khai thác một cách hiệu quả là thách thức lớn. Ví dụ, với 2G, chỉ cần 20.000 trạm để phủ 100% diện tích Việt Nam; 3G cần 30.000 - 35.000 trạm, 4G cần 40.000 - 60.000 trạm, nhưng 5G cần vài trăm nghìn trạm, thậm chí hàng triệu trạm.

Bên cạnh câu chuyện đầu tư phát triển mạng lưới, việc cung cấp dịch vụ 5G trên thị trường còn phụ thuộc vào nhu cầu và mức độ sử dụng của khách hàng, chủ yếu là nhóm khách hàng doanh nghiệp. Một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai 5G thành công là công nghệ thâm nhập được vào cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, cần có những chính sách, chương trình để doanh nghiệp ý thức được lợi ích của việc ứng dụng 5G.

“Kinh nghiệm từ các quốc gia triển khai 5G thành công là lượng khách hàng sử dụng 5G phải từ 20% trở lên. Điều này đòi hỏi những chính sách mạnh mẽ, ví dụ tại Singapore có các chương trình từ Chính phủ tới địa phương. Chúng tôi mong muốn có các chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển 5G nói riêng và thúc đẩy kinh tế số nói chung. Ví dụ, Nhà nước có chính sách để doanh nghiệp có thể triển khai mạng lưới một cách nhanh nhất, các trạm 5G gấp nhiều lần so với 4G nên có thể phát triển chính sách chia sẻ trạm viễn thông giữa các đơn vị”, ông Tuấn nói.

Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam đánh giá, công nghệ đang phát triển rất nhanh và nền kinh tế số cũng đang đổi mới nhanh chóng. Theo đó, đề xuất từ phía doanh nghiệp là có môi trường sandbox (thử nghiệm) để đón nhận các công nghệ tiềm năng mới, các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ khi chúng xuất hiện.

“Bên cạnh đó, cần thường xuyên xem xét và đánh giá lại các chính sách hiện có. Bởi vì khi công nghệ tiến bộ và các dịch vụ số đổi mới và tiến lên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng luật pháp và quy định phù hợp với thời đại. Các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau để tìm ra các giải pháp phù hợp trong bối cảnh này”, ông Alejandro Osorio nói.

Minh Minh - Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục