Kinh tế số: Chìa khóa thịnh vượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ đã cam kết thực hiện mục tiêu kép: giảm lượng phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 và đạt được vị thế nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh này, Việt Nam xác định kinh tế số là chìa khoá để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Các diễn giả tham dự Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức giữa tuần qua. Các diễn giả tham dự Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức giữa tuần qua.

5G thúc đẩy chuyển đổi số sâu rộng

Theo Nhóm công tác Kinh tế số, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023, nền kinh tế số được coi là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, đóng góp vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Xây dựng năng lực cốt lõi trên 6 công nghệ số là điều cần thiết để đảm bảo rằng một quốc gia có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế số toàn cầu. Những công nghệ này bao gồm Trí tuệ Nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud), Internet vạn vật, 5G và chuỗi khối (Blockchain). Làm chủ các công nghệ này sẽ cho phép các quốc gia phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo ra nhiều việc làm mới.

Việt Nam đã chứng minh tiềm năng của mình trong ngành blockchain, đặc biệt là qua việc có một số lượng đáng kể các công ty phát triển Blockchain và một số công ty khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này. Chính phủ cũng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này thông qua việc thành lập các cơ sở nghiên cứu để khám phá các ứng dụng tiềm năng trong lĩnh vực tài chính, logistics cùng các lĩnh vực khác.

Với công nghệ 5G, tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) thông tin, Việt Nam đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ của các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone) với những thử nghiệm ở những góc độ khác nhau trên 40 tỉnh, thành phố.

Sự phát triển của công nghệ 5G, được chuyên gia nhìn nhận, sẽ thúc đẩy chuyển đổi số qua 3 khía cạnh. Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình tích hợp, ứng dụng và thương mại hóa các công nghệ cao, công nghệ mới như AI, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và Blockchain, từ đó tạo ra nhiều doanh nghiệp mới, mô hình kinh doanh mới.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, giúp gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh cho các ngành công nghiệp truyền thống.

Thứ ba, thúc đẩy sự phát triển của 5G sẽ tăng tốc hiện đại hóa năng lực quản trị, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân. 4G đã thay đổi cuộc sống và 5G sẽ thay đổi xã hội. Với phạm vi phủ sóng rộng rãi, đáp ứng được nhiều kết nối hơn của mạng 5G, sẽ cho phép nhiều dữ liệu hơn được thu thập, từ đó, nhà quản trị đưa ra quyết định từ dữ liệu, hình thành khả năng quản trị khoa học, thông minh.

Hiện nay, trên thế giới, 5G và hệ sinh thái ứng dụng của nó đang góp phần tích cực đổi mới, thúc đẩy quá trình đổi số sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau và ngày càng trở thành động lực chính cho quá trình chuyển đổi số.

Chính phủ Việt Nam với tầm nhìn “Cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G là động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong cuộc CMCN 4.0” đã đặt ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, nền kinh tế số chiếm 20% GDP; phủ sóng băng rộng cáp quang đến 80% hộ gia đình; dịch vụ 5G và điện thoại thông minh trở thành phổ biến; thanh toán điện tử chiếm hơn 50%. Đến năm 2030, Việt Nam phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho biết, việc thương mại hóa 5G sẽ mang lại lợi ích gấp ba lần cho Việt Nam - về xã hội, kinh tế và môi trường.

Cần sự chuyển đổi đồng bộ

Chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng xanh đang là yêu cầu bức thiết đặt ra đối với các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển.

Ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen, Nestlé Vietnam Ltd chia sẻ, Nestlé đang chuyển đổi số, tập trung vào 3 nhóm việc: Thứ nhất là kết nối người lao động nhằm mang lại hiệu suất cao hơn, khai thác năng suất lao động tốt nhất; thứ hai là tối ưu hoá quy trình, chú trọng chất lượng sản xuất, sử dụng thiết bị tối ưu…; thứ ba là tuỳ chỉnh sản phẩm để linh hoạt hơn, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

“Chuyển đổi số giúp mang lại những kết quả hữu hình đối với hoạt động của chúng tôi, đơn cử như giảm 60% thời gian tạm dừng sản xuất, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hóa các cảm biến thông minh và các dữ liệu đã được số hóa; giảm 50% lượng giấy tiêu thụ trong nhà máy; giảm 20% chi phí bảo dưỡng thông qua các cảm biến dự báo”, ông Urs Kloeti cho biết.

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp lớn đã có những chiến lược dài hạn, xây dựng một nền tảng khá vững vàng ứng dụng chuyển đổi số vào mô hình kinh doanh của mình, bên cạnh các sản phẩm sạch và thân thiện. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không bị bỏ lại phía sau, nhóm doanh nghiệp này rất năng động, một khi nắm bắt xu thế thì sẽ phát triển rất nhanh. Họ đã tiếp nhận những công nghệ mới nhất từ AI, robot hoá trong sản xuất rất hiệu quả.

“Chúng ta có lợi thế của người đi sau, được tiếp nhận những công nghệ đã được kiểm chứng, đó chính là lợi thế. Tuy nhiên, do hạn chế về quy mô còn nhỏ, để đưa công nghệ số và công nghệ xanh vào hoạt động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần một hệ sinh thái để phát triển, ví dụ có sự dẫn dắt của cơ quan chức năng hay sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn”, ông Huy nhìn nhận.

Chuyển đổi số là bài toán về tư duy và mô hình kinh doanh

Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)

Hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng thiết yếu, các ngành công nghiệp đều đang hướng đến chuyển đổi số. Bản thân trong lĩnh vực thương mại tử, việc chuyển số đang diễn ra càng ngày càng nhanh chóng, quyết liệt với tốc độ nhanh hơn. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đang ngày càng chú trọng đầu tư nhiều hơn cho việc chuyển đổi số.

Cái gốc của chuyển đổi số phải từ tư duy kinh doanh, lựa chọn những lối đi, lựa chọn tệp khách hàng và thị trường phù hợp, trên cơ sở đó đưa công nghệ vào để xử lý những bài toán. Chuyển đổi số không phải chỉ là bài toán về mặt công nghệ, mà là chuyển dịch về cả tư duy và mô hình kinh doanh.

Chuyển đổi số hỗ trợ cho tăng trưởng xanh

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong những năm qua, NIC nhận thấy nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ sáng tạo, cho chuyển đổi số rất lớn. Do đó, NIC đã làm việc với các tập đoàn, ví dụ Google đã tài trợ toàn bộ để triển khai một số chương trình, khóa đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.

Trong lĩnh vực nhà máy sản xuất, NIC đã làm cầu nối kết hợp giữa các tập đoàn có nhu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất với các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ này, từ đó đem lại hiệu quả rất lớn cho việc chuyển đổi số và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Chuyển đổi số chính là một trong những con đường để hỗ trợ đổi mới sáng tạo và đảm bảo mục tiêu giảm phát thải ra môi trường. Ví dụ khi ứng dụng mạng di động 5G, các công nghệ để chuyển đổi các nhà máy thông minh hơn, xanh hơn thì sẽ giảm phát thải các-bon. Vì vậy, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hỗ trợ rất nhiều cho tăng trưởng xanh và đây cũng là định hướng dài hạn của NIC.

NIC cùng các bộ, ngành cũng đã triển khai nhiều chương trình cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp, ví dụ chương trình hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp. Chương trình này đã hỗ trợ ươm tạo rất nhiều các doanh nghiệp công nghệ liên quan đến giáo dục, an ninh mạng...

Lam Phong-Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục