Lo nhất vẫn là kỷ luật và trách nhiệm thực thi
Chất lượng, hiệu quả và kỷ luật thực thi cơ chế, chính sách, giải pháp, chứ không hẳn là những con số cụ thể là vấn đề làm nóng cuộc thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022.
Sức lực của nền kinh tế, của doanh nghiệp đang bị bào mòn không chỉ bởi sức càn quét chưa từng có của đợt dịch lần thứ tư, mà còn bởi sự không thống nhất, đồng bộ trong thực thi các giải pháp phòng chống dịch, các chỉ đạo, điều hành của Trung ương.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đã nhắc lại tình trạng là, dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông - vận tải có sự quản lý điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ chia cắt, nhưng có địa phương đặt ra những giấy tờ không phù hợp tại các chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các thành phố lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch.
Đây không chỉ là vấn đề của tháng trước, khi chưa có Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trước phiên thảo luận này 2 ngày, tại cuộc trao đổi hằng tuần giữa đại diện hiệp hội doanh nghiệp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), các doanh nghiệp TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thấy rõ sự thông suốt về lao động, dòng tiền...
Rõ ràng, doanh nghiệp vẫn đang phải gánh chịu nhiều hệ lụy từ khoảng doãng giữa chính sách và thực thi. Nhưng nhiều doanh nghiệp đang nói đến thời điểm 2 tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 như “điểm rơi” của kế hoạch phục hồi. Lúc này, nếu tiếp cận được chính sách phù hợp, doanh nghiệp sẽ trở lại rất nhanh.
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) có lẽ hiểu rõ về vấn đề này, khi ông là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO. Không chỉ khó khăn từ đứt gãy các chuỗi hàng hóa, sản xuất, lao động, ngay cả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp - vốn được coi là nguồn oxy - cũng không đến được với nhiều doanh nghiệp đang hấp hối.
“Các nhà làm chính sách phải thực sự muốn hỗ trợ, khuyến khích thì mới có cách tiếp cận chính sách cởi mở và thân thiện, nhân văn hơn. Chỉ cần tối giảm và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động xét duyệt cho đối tượng, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn hỗ trợ quý giá này”, ông So đề xuất.
Khi đặt ra những việc chưa làm được trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ được Chính phủ ban hành trong 2 năm 2020-2021 - vốn được đánh giá là kịp thời, đảm bảo độ phủ về chính sách và đối tượng thực thi, ông So đặt tiếp yêu cầu về tính khả thi, kịp thời của các gói hỗ trợ mạnh mẽ, quyết liệt hơn mà Chính phủ đang thiết kế.
“Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 khoảng 44 - 45% so với GDP và khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4% là an toàn so với trần nợ công 60% GDP. Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề”, đại biểu Nguyễn Như So yêu cầu.
Cũng có nghĩa là nhiệm vụ đang được đặt hàng thứ hai trong 12 nhiệm vụ của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2022 mà các đại biểu đang thảo luận, đó là ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đang cần có tư duy mới để thực hiện hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới.
Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội Hà Nội cụ thể cách làm mới là rút gọn các thủ tục, quản trị rủi ro chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Định vị rõ giá trị liên kết vùng
Chỉ mất 2 phút trong 5 phút dành cho đại biểu thảo luận tại Hội trường, ông Nguyễn Minh Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đã khắc họa bức tranh liên kết vùng một cách sinh động. Theo ông, nếu các địa phương, các vùng có sự liên kết chặt chẽ, lấy liên kết làm cơ sở chia sẻ, điều phối nhân lực, vật lực, tài lực kịp thời, thì có lẽ việc ứng phó với dịch bệnh đã bớt đi những tình huống không đáng có.
“Tính liên kết vùng lỏng lẻo, sự lúng túng của các địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm cho chúng ta bài học sâu sắc”, đại biểu Sơn nói. Ông đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong xây dựng cơ chế liên kết vùng có tính pháp lý cao, nhằm khắc phục tồn tại thời gian qua và phát triển liên kết vùng hiệu quả.
Trong Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2022, thúc đẩy phát triển liên kết vùng là nhiệm vụ thứ sáu, cùng với thúc đẩy khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Theo đó, trong năm 2022, sẽ cơ bản hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực tăng trưởng mới; ban hành thể chế điều phối vùng và quy chế phối hợp... cũng như triển khai đồng bộ các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới... đã được xác định.
Tuy nhiên, các đại biểu đặt nhiều yêu cầu hơn về tư duy liên kết vùng trong không chỉ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, mà trong cả các giải pháp phục hồi kinh tế - yêu cầu đặc biệt được ưu tiên trong năm tới. Các kế hoạch phục hồi ngành du lịch mà nhiều địa phương đang thiết kế đang rất cần tư duy mới này.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho biết, Quảng Bình đang khởi động lại hoạt động du lịch với các quy định, lộ trình để du khách không phải cách ly khi đến. Để thực hiện, cần có quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh, xây dựng môi trường du lịch an toàn để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch. Nhưng một mình Quảng Bình không làm được, vì cần một quy trình chuẩn hóa trong phạm vi toàn quốc, cần có sự kết nối với điểm đến trong nước và cả quốc tế.
Tương tự, trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cũng cần thiết kế theo liên kết ngành, hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động du lịch và người dân kinh doanh dịch vụ công cộng, cộng đồng... đến các doanh nghiệp hàng không, vận tải lớn... “Cần tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả giữa chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội cho phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới”, bà Tâm kiến nghị.
Là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Sonadezi Đồng Nai, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) dành sự quan tâm đến đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Mục tiêu là giúp các địa phương này có nguồn lực phục hồi nhanh, bởi đây là những tỉnh, thành phố đóng góp lớn cho kinh tế, ngân sách của đất nước, ngân sách Trung ương, nhưng bị dịch bệnh tàn phá nặng nề nhất.
Nhưng quan trọng hơn, theo bà Hằng, khi tỷ lệ điều tiết được nâng lên, các tỉnh, thành phố này sẽ có nguồn lực để phục hồi, đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu, tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân...
“Quyết sách này cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hiện có và các gói kích thích kinh tế ban hành sẽ giúp các địa bàn kinh tế trọng điểm phục hồi về kinh tế, tạo tác động lan tỏa và kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Nam cũng như cả nước”, bà Hằng nói.
TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã lên kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp với những con số cụ thể, nếu có nguồn lực, sẽ làm nhanh và tạo hiệu ứng ngay... Đây là lý do các đại biểu thống nhất ưu tiên cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào các công trình trọng điểm, công trình dang dở.
Nhiều dự án đã được gọi tên như Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (hoàn thành một số dự án thành phần: Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Mai Sơn - Quốc lộ 45); Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Một số chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%.
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD.
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%.
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt khoảng 27,5%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022