Kinh tế Mỹ: Sau kiên cường là... phấp phỏng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi tăng trưởng âm trong 2 quý đầu năm 2022, kinh tế Mỹ đã hồi phục nhẹ vào cuối năm và năm 2023, kinh tế nước này đang có một khởi đầu tốt, nhưng nguy cơ suy thoái vẫn hiện hữu do lãi suất và lạm phát cao, giá nhà giảm…
Kinh tế Mỹ: Sau kiên cường là... phấp phỏng

Rất khó dự báo suy thoái

Trong suốt 5 thập kỷ qua, các nhà dự báo kinh tế có thành tích kém cỏi trong việc dự đoán các cuộc suy thoái. Ngoại lệ là vào năm 1980, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên mức kỷ lục để kiềm chế lạm phát hai con số, các nhà kinh tế đã nhanh chóng cảnh báo về một cuộc suy thoái. Thực tế, suy thoái kinh tế diễn ra từ giữa năm 1981 và kéo dài gần hết năm 1982.

Năm ngoái, có một số điểm tương đồng, đó là lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ, trong bối cảnh giá dầu tăng vọt sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra. Khi kinh tế tăng trưởng âm trong 2 quý đầu năm 2022, một số nhà bình luận cho rằng, một cuộc suy thoái đang diễn ra, nhất là khi Fed dần thắt chặt chính sách tiền tệ. Mặc dù nhận định suy thoái đã được chứng minh là không chính xác, bởi GDP kết thúc năm 2022 tăng 2,1%, nhưng hơn 60% các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát vào đầu năm 2023 dự báo, suy thoái có khả năng sẽ xảy ra trong năm nay.

Hiện tại, nhiều chỉ số cho thấy kinh tế Mỹ đang có một khởi đầu tốt như báo cáo việc làm ấn tượng và mức chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng, chỉ số về hoạt động kinh doanh bao gồm hoạt động sản xuất và dịch vụ tăng điểm, lạm phát hạ nhiệt…

Nguy cơ suy thoái vẫn tồn tại

Năm ngoái, kinh tế Mỹ tỏ ra kiên cường một phần là do hầu hết các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp đều có sẵn “của để dành” và có độ trễ dài trước khi chính sách thắt chặt của Fed ảnh hưởng đến khả năng cung cấp tín dụng.

Năm nay, kinh tế đang có những tín hiệu tích cực, nhưng nguy cơ suy thoái vẫn tồn tại, vì nhiều khả năng Fed sẽ buộc phải phản ứng với một số dữ liệu ngoài dự kiến và lạm phát cao.

Hồi đầu năm, thị trường đã dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5%, lên 5%/năm trong nửa đầu năm và sau đó nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm. Hiện tại, thị trường đang dự đoán, mức lãi suất có thể đạt 5,5%/năm vào giữa năm.

Tác động rõ ràng nhất của việc thắt chặt tiền tệ của Fed cho đến nay là trên thị trường nhà ở: lãi suất cho vay thế chấp tăng cao (hiện là 6,7%/năm, hơn gấp đôi so với đầu năm 2022), doanh số bán nhà giảm trong 11 tháng liên tiếp tính đến tháng 1/2023, giá nhà đất giảm kể từ giữa năm 2022, số lượng khách hàng đăng ký vay thế chấp mua nhà suy giảm.

Để so sánh, chi tiêu của người tiêu dùng trong nửa cuối năm 2022 tăng trưởng tốt, dẫn đầu là dịch vụ tiêu dùng, với mức tăng 3%. Mặc dù tăng trưởng thu nhập cá nhân là âm sau khi điều chỉnh theo lạm phát, nhưng các hộ gia đình vẫn có thể duy trì mức sống bằng cách giảm tiết kiệm, vốn tăng vọt trong đại dịch Covid-19 như một kết quả của các khoản trợ cấp khổng lồ của Chính phủ (ước tính 2.700 tỷ USD).

Sắp tới, các hộ gia đình có thể phải tìm cách vay mượn để duy trì mức sống của họ. Tuy nhiên, môi trường cho vay đang có những thách thức không nhỏ, bởi các ngân hàng đã thắt chặt tiêu chuẩn cho vay. Đặc biệt, lãi suất thẻ tín dụng đã tăng 5,5%/năm trong năm 2022, lên 20%/năm và có khả năng tăng cao hơn nữa cùng với các đợt tăng lãi suất của Fed.

Một yếu tố hỗ trợ người tiêu dùng là việc làm dồi dào, với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 5 thập kỷ và 1,8 việc làm sẵn có cho mỗi người tìm việc.

Mặc dù vậy, tình trạng này không biết sẽ được duy trì trong bao lâu, do các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại và tỷ suất lợi nhuận bị co hẹp bởi lãi suất và tiền lương cao hơn. Doanh nghiệp sẵn sàng giữ chân người lao động sau khi gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân công trong đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tuyển dụng có thể sẽ dần chậm lại và tình trạng sa thải tăng lên.

Điểm mấu chốt là với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ còn 2,1% vào năm 2022 so với mức 5,9% năm 2021, suy thoái kinh tế có khả năng xảy ra trong năm 2023, khi một số yếu tố củng cố nền kinh tế như lãi suất thực thấp hoặc âm, nguồn tín dụng dồi dào, có thể sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Khi đó, tình trạng cân bằng có thể bị nghiêng bởi các yếu tố ngoại sinh như sự leo thang của cuộc xung đột Nga - Ukraine, hoặc biến đổi khí hậu góp phần gây ra sự biến động trên thị trường năng lượng.

Nếu có một cuộc suy thoái, nó có thể sẽ ở mức độ nhẹ, bởi bảng cân đối kế toán của các tập đoàn và tổ chức tài chính tương đối mạnh. Dù vậy, khả năng phục hồi có khả năng thấp, do sự hạn chế của cả chính sách tiền tệ và tài khóa.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, GDP của Mỹ năm 2023 tăng 1,4%

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục