Triệu chứng kinh tế Mỹ khiến Fed tiếp tục “cứng rắn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo về giá cổ phiếu và bất động sản, những thứ mà họ cho là được định giá quá cao và có thể giảm mạnh, đồng thời lạm phát cao nghiêm trọng có thể kéo dài đến năm 2024.
Kinh tế Mỹ có thể suy thoái trong năm nay. Kinh tế Mỹ có thể suy thoái trong năm nay.

“Mức chi tiêu hộ gia đình thấp và chi phí đi vay cao hơn có thể khiến kinh tế Mỹ suy giảm”, biên bản cuộc họp tháng 2/2023 của Fed nhấn mạnh.

“Các chuyên gia vẫn xem khả năng xảy ra suy thoái vào một thời điểm nào đó trong năm nay”, biên bản viết.

“Các quan chức tham gia cuộc họp nhận thấy sự bấp bênh trong triển vọng của những hoạt động kinh tế, thị trường lao động và lạm phát”, biên bản cho biết.

Trong khi đó, vào tháng 11/2022, trước câu hỏi nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng hay suy thoái kéo dài vào năm 2023, các chuyên gia của Fed đưa ra câu trả lời là 50 - 50.

Những ngày gần đây, các nhà kinh tế nhấn mạnh đến áp lực đối với giá tài sản và chỉ ra rằng, việc định giá bất động sản cũng như vốn chủ sở hữu cao kéo dài làm tăng khả năng điều chỉnh mạnh trong thời gian tới.

“Các thước đo định giá ở cả thị trường bất động sản nhà ở và thương mại vẫn ở mức cao và khả năng giá bất động sản giảm mạnh cao hơn mức bình thường”, biên bản viết.

“Ngoài ra, tỷ lệ giá trên thu nhập kỳ hạn của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 vẫn cao hơn giá trị trung bình của chỉ số, mặc dù giá cổ phiếu giảm trong năm qua”.

Để đối phó với lạm phát tăng vọt, Fed đã có 8 lần nâng lãi suất, từ 0 - 0,25%/năm lên 4,5 - 4,75%/năm trong gần 1 năm qua. Lãi suất cao hạn chế chi tiêu, tuyển dụng và đầu tư, vì chúng khuyến khích tiết kiệm và khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ. Điều đó có thể giúp giảm bớt áp lực tăng giá.

Tuy nhiên, lãi suất cao có thể kéo giá tài sản xuống, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc làm, thậm chí làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Các nhà kinh tế của Fed đã nhấn mạnh mối nguy hiểm đó và dự đoán sự phục hồi phải chờ tới năm 2024.

Thị trường sẽ phản ánh những tác động chậm trễ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ trước đó, tăng trưởng GDP thực tế sẽ chậm lại rõ rệt trong năm nay và thị trường lao động sẽ giảm nhiệt.

Dù vậy, suy thoái kinh tế, kết hợp với giá năng lượng tiêu dùng giảm mạnh và giá lương thực tăng chậm hơn, có thể làm giảm đáng kể lạm phát trong năm nay.

Fed sẽ quyết định mức tăng lãi trong tương lai dựa trên các yếu tố như ảnh hưởng của việc nâng lãi suất, độ trễ chính sách, tình hình tài chính - kinh tế.

Trả lời phỏng vấn CNBC ngày 22/2/2023, Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard tin tưởng, việc tăng lãi suất cao hơn, sớm hơn sẽ phát huy hiệu quả hơn.

Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase ủng hộ quan điểm cứng rắn trong việc kiểm soát lạm phát và tán thành quan điểm với các thành viên Fed, đó là dữ liệu lạm phát nhận được trong 3 tháng qua cho thấy tốc độ tăng giá hàng tháng đã giảm, nhưng cần có thêm bằng chứng đáng kể về sự cải thiện trên một phạm vi giá rộng hơn để tin chắc rằng lạm phát đang có xu hướng giảm bền vững.

Ông Dimon cho rằng, lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.

Theo số liệu mới nhất, lạm phát lõi (tốc độ tăng giá cả không tính đến ảnh hưởng của nhiên liệu và thực phẩm) tháng 1/2023 so với cùng kỳ là 5,6%.

“Kinh tế Mỹ đang hoạt động khá tốt… Dù vậy, phía trước của chúng tôi có một số thứ đáng sợ. Bạn và tôi biết, luôn có sự không chắc chắn”, ông Dimon nói.

Trước đó, tháng 10/2022, ông Dimon nhận định, kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 6 - 9 tháng tới. Vào tháng 12/2022, ông cho biết, lạm phát cao đang làm xói mòn tài sản của người tiêu dùng, điều này sẽ dẫn đến suy thoái.

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục