Kinh tế khó khăn, càng phải chống doanh nghiệp thân hữu

0:00 / 0:00
0:00
PGS-TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, ngoài khó khăn chung, Việt Nam còn phải đối mặt với cuộc chiến loại bỏ những doanh nghiệp tư nhân hoạt động bất chính, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
PGS-TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. PGS-TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Căn cứ vào đâu ông cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với rủi ro lớn?

Lịch sử thế giới ghi nhận, cạnh tranh chính trị, vũ trang, kinh tế, thương mại... trên thế giới chưa bao giờ đứng yên hoặc chỉ có tích cực, mà lúc nào cũng bất ổn. Bất ổn này qua đi, thì bất ổn khác xuất hiện. Bây giờ cũng vậy, nhưng bối cảnh thế giới xét ở khía cạnh dài hạn thì đây có thể nói là thời kỳ chuyển đổi lớn với nhiều rủi ro, thách thức nhất kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Rủi ro thứ nhất liên quan đến căng thẳng địa chính trị. Xung đột Nga - Ukraine không còn dừng ở mức chiến dịch quân sự đặc biệt, mà đã chuyển sang chiến tranh, thậm chí có nguy cơ cấp khu vực. Tại Trung Đông, xung đột giữa Israel với thế giới Ả-rập chưa bao giờ lắng dịu, hiện tại mối xung đột này được đẩy lên cực điểm khi Iran và Israel tấn công nhau. Căng thẳng diễn ra ở Biển Đỏ làm tăng chi phí vận tải biển và ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Những bất ổn địa chính trị kéo theo chi phí quân sự toàn cầu tăng cao nhanh chóng trong vài năm gần đây. Theo dữ liệu mới về chi tiêu quân sự toàn cầu, do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố tháng 4/2024, chi tiêu quân sự thế giới tăng năm thứ 9 liên tiếp, lên mức cao nhất mọi thời đại là 2.443 tỷ USD, bằng 2,4% GDP toàn cầu.

Rủi ro thứ hai phải kể đến là kinh tế thế giới tăng trưởng chậm ở tất cả các quốc gia và khu vực chủ chốt: kinh tế Mỹ phục hồi chậm, châu Âu tăng trưởng 0%, Nhật Bản chưa ra khỏi khó khăn, Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm. Trong khi đó, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao để ứng phó với tình trạng lạm phát toàn cầu.

Rủi ro thứ ba liên quan đến quá trình chuyển đổi lớn của kinh tế thế giới dưới tác động của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi công nghệ, sự hình thành nền kinh tế dữ liệu, chuyển đổi xanh. Các rủi ro khác cũng tác động lớn cả trước mắt và dài hạn như thay đổi nhân khẩu học, hậu quả của đại dịch, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan…

Là nền kinh tế có độ mở lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, vốn đầu tư phụ thuộc rất lớn vào thế giới bên ngoài, đương nhiên Việt Nam sẽ bị tác động rất lớn.

Thưa ông, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, mọi hoạt động kinh tế trong những tháng đầu năm nay rất khả quan?

Báo cáo thì đúng như vậy, nhưng là so với nền thấp của kỳ năm 2023. Hơn nữa, đà tăng trưởng được tiếp nối từ sự tăng trưởng bắt đầu từ quý III năm trước, còn thời gian tới, khó khăn đã được nhìn thấy trước.

Trong bối cảnh xung đột trên thế giới như hiện nay, giá thành vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hải, chi phí logistics tăng cao chưa từng thấy, thậm chí, chi phí vận tải còn cao hơn thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Chưa kể, nếu xung đột không sớm được kiểm soát, chuỗi vận tải hàng hóa bằng đường biển trên thế giới còn bị ngưng trệ, khiến chi phí sản xuất tăng, giá bán sản phẩm hàng hóa tăng, “bóng ma” lạm phát quay trở lại, thì hy vọng ECB, Fed, Ngân hàng Trung ương Anh quốc... sớm cắt giảm lãi suất, đưa lãi suất về mức bình thường cũ càng trở nên mong manh.

Trong bối cảnh bất ổn này, quốc gia nào cũng gia tăng đầu tư cho quân sự, quốc phòng, dẫn đến nợ công tăng, chi đầu tư giảm, cả chính phủ và người dân trên thế giới giảm chi tiêu, chi an sinh xã hội trên thế giới giảm...

Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam (tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu quý I/2024 đạt trên 178 tỷ USD, quy mô GDP ước đạt 102 tỷ USD) đặt trong bối cảnh này, mới thấy khó khăn trước mắt lớn đến nhường nào.

Vậy ông đánh giá thế nào về kết quả đã đạt được trong những tháng đầu năm nay?

Quốc hội ban hành Nghị quyết 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với 15 mục tiêu và 12 nhóm giải pháp. Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, chi tiết hóa thành 71 chỉ tiêu và 168 nhiệm vụ, giải pháp. Tất cả nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp đã đầy đủ, chi tiết, vấn đề là phải đánh giá khâu thực thi xem đạt được như thế nào.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt 5,66%, có thể coi là đạt yêu cầu. Nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đạt được sát mức đặt ra, nhưng thời gian còn lại của năm 2024 chắc không thuận lợi như 3 tháng đầu năm vì những bất ổn trên thế giới như tôi đã nói. Vì vậy, cần rà soát, đánh giá sâu để xác định phải tiếp tục làm gì, tập trung vào những nội dung gì để đạt được mục tiêu đặt ra cho 6 tháng đầu năm và cả năm nay.

Nhiều chuyên gia nhìn vào số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động nhiều hơn số thành lập mới, quay trở lại trong những tháng đầu năm và cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Hầu hết doanh nghiệp rời khỏi thị trường có quy mô rất nhỏ, vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng; hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, bán buôn, bán lẻ và cũng chỉ mới thành lập được 2-3 năm, nên số lượng này rời khỏi thị trường cũng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế.

Hơn nữa, chủ doanh nghiệp sau khi dừng mã số thuế, chắc chắn vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, buôn bán, cung cấp dịch vụ như cũ, nhưng ở hình thái khác như kinh doanh tự do, kinh doanh hộ gia đình. Người lao động sau khi rời khỏi doanh nghiệp ngừng hoạt động, vẫn tiếp tục tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ để tạo ra thu nhập, tức là vẫn làm ra sản phẩm cho xã hội, vẫn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp mới thấp hơn số rời khỏi thị trường là điều rất cần được quan tâm. Điều này phản ánh những khó khăn trong môi trường kinh doanh, đặc biệt liên quan đến môi trường khởi nghiệp, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Vậy điều ông lo ngại nhất hiện nay là gì?

Có hai vấn đề tôi quan tâm là năng suất lao động và sự minh bạch trong môi trường hoạt động của doanh nghiệp.

Nền kinh tế Việt Nam ở nhóm đầu về tốc độ tăng trưởng, song chúng ta lại ở nhóm cuối về năng suất lao động. Nghịch lý này phản ánh thực trạng tăng trưởng theo chiều rộng, các yếu tố khoa học công nghệ, lao động có kỹ năng và thể chế quản trị còn hạn chế.

Vấn đề thứ hai là các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với môi trường nhiều rủi ro như nêu trên. Mặt khác, do hệ quả của môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, đã xuất hiện các doanh nghiệp thân hữu. Kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII đến nay, lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn yêu cầu phải chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, thao túng chính sách để trục lợi. Nhưng hàng loạt vụ án kinh tế lớn đã và đang điều tra, truy tố, xét xử, cho thấy mức độ thân hữu của một số doanh nghiệp là vấn đề không thể xem nhẹ.

Vụ đại án Việt Á, chuyến bay giải cứu, Hậu “pháo”, Vạn Thịnh Phát… không chỉ làm thất thoát ngân sách nhà nước, mất tài sản nhà nước và của nhà đầu tư, mà còn gây ra những hệ quả chính trị - xã hội, làm giảm lòng tin của người dân và những doanh nghiệp làm ăn chân chính vào môi trường kinh doanh. Vì vậy, trong khó khăn chung của kinh tế thế giới, Việt Nam còn phải đối mặt với một lực lượng doanh nghiệp thân hữu, sân sau.

Rất mừng là lãnh đạo Đảng và Nhà nước quyết tâm triệt phá những doanh nghiệp thân hữu để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm khiết, tạo tiền để để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục