Doanh nghiệp tư nhân và thách thức phải "lớn" gấp đôi sau 2 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện cả nước có hơn 800 nghìn doanh nghiệp, trong đó 98% là doanh nghiệp tư nhân. Để đạt được con số 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 theo mục tiêu của Chính phủ, đòi hỏi rất nhiều giải pháp mạnh mẽ và thiết thực.
Theo Bảng xếp hạng VNR500, Tập đoàn Hoà Phát là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022 (Ảnh minh hoạ) Theo Bảng xếp hạng VNR500, Tập đoàn Hoà Phát là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022 (Ảnh minh hoạ)

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn nhỏ bé, thiếu sự bảo trợ

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân với chủ đề Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế” sáng 2/4, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, giai đoạn 2016 - 2021, khu vực kinh tế tư nhân của nước ta (hiện có khoảng 786 nghìn doanh nghiệp) đóng góp gần 46% GDP mỗi năm.

So với mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, đóng góp 55% GDP vào năm 2025 mà Nghị quyết 45 về phát triển kinh tế tư nhân do Chính phủ mới ban hành ngày 31/3/2023 thì hiện chúng ta còn cách khá xa.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nói rằng có vẻ như chúng ta nói về phát triển kinh tế tư nhân rất nhiều nhưng những gì làm được cho khu vực này thì vẫn còn rất ít.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê giai đoạn 2016 - 2020, ông Nghĩa nhận định, mặc dù đóng góp vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội của kinh tế tư nhân tăng từ 38,9% lên 44,9% song đóng góp vào GDP lại giảm từ 39,21% xuống còn 39,19%.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI mặc dù giảm quy mô vốn đầu tư từ 23,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội xuống 21,5% nhưng đóng góp vào GDP lại tăng vững chắc, từ 18,07% lên 20,13%.

Ông Nghĩa nói rằng, cái thất bại lớn nhất của khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, là mở cửa thị trường quá sớm để cho các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh "dã man" với doanh nghiệp nội địa, khiến doanh nghiệp nội địa gần như không có lối thoát nào ngoài cách đi vào bất động sản.

"Cạnh tranh khốc liệt nhất là lĩnh vực chế biến chế tạo, chúng ta đang bị "lép vế hoàn toàn". Cho đến giờ Việt Nam chỉ có vài doanh nghiệp lắp ráp cơ khí là Trường Hải, Thành Công, VinFast, trong khi chính sách hỗ trợ cơ khí nông nghiệp "chết yểu", chiến lược phát triển ô tô nội cũng chết yểu, mà Vinaxuki là người chết đầu tiên", ông Nghĩa dẫn chứng.

"Chúng ta bây giờ rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì nếu không có FDI thì không có tăng trưởng, không có ai lấp đầy bất động sản khu công nghiệp được xây tràn lan...

TS Lê Xuân Nghĩa

Nhìn sang quốc gia châu Á là Hàn Quốc, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, năm 1960 Hàn Quốc có GDP bình quân đầu người chỉ 100 USD, thấp hơn cả Indonesia và Philipines, bằng Malaysia và Thái Lan. Nhưng đến giờ Hàn Quốc đã gấp 10 lần Philipines.

Lý do vì từ tổng thống đến dân thường Hàn Quốc đều đi xe Hyundai, dùng điện thoại Samsung và tivi LG.

"Người Hàn Quốc không phải kém hơn người Việt Nam ở chỗ không biết iPhone thì tốt hơn Samsung, đi xe Mercedez thì thích hơn Hyundai... nhưng họ hơn chúng ta ở chỗ họ hiểu rằng nền công nghiệp của họ phải dựa vào sự ủng hộ của cả Chính phủ lẫn người dân để lớn mạnh", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Doanh nghiệp chậm lớn vì kinh tế có "đám sương mù" lạ

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, kinh tế Việt Nam đang tồn tại “đám sương mù" lạ. Trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế đạt 3,32%, chỉ cao hơn thời điểm bùng phát dịch Covid-19 là quý I/2020 với mức tăng 3,21%.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, kinh tế Việt Nam đang có “đám sương mù" lạ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, kinh tế Việt Nam đang có “đám sương mù" lạ.

Đặc biệt, khu vực công nghiệp, xây dựng lại tăng trưởng âm 4%; xuất khẩu suy giảm cho dù giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh vẫn tăng 10%. Đầu tàu kinh tế của cả nước là TP HCM, được ví như kinh tế Hoa Kỳ trong kinh tế toàn cầu, có GRDP chỉ tăng trưởng 0,7%, còn tỉnh trọng điểm công nghiệp phía Bắc là Bắc Ninh lần đầu tiên âm tới 12%.

Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia cho rằng, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 là khó khăn, thậm chí thiếu thực tế bởi trước đây chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp nhưng đến nay mới chỉ có 800 nghìn doanh nghiệp.

Đối với Việt Nam, tăng trưởng dưới 5% đã được coi là suy thoái chứ không cần phải hai quý tăng trưởng âm như phương Tây. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại, bởi chúng ta đang không chịu bất kỳ cú sốc nào.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Đặc biệt, trong quý I năm nay, cả nước có khoảng 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp được thành lập.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, tập đoàn tư nhân có quy mô tới 22.000 nhân sự nói rằng, bản thân bà cũng không hiểu bằng cách nào Tập đoàn BRG có thể vượt qua 3 năm khó khăn khủng khiếp vừa qua.

"5-6 năm nay chúng tôi không dám triển khai một dự án mới nào vì áp lực vốn đầu tư quá lớn", bà Nga cho hay và quan điểm, các cơ quan quản lý và các chuyên gia kinh tế nên công bố giải pháp nào để có thể tăng gấp đôi số doanh nghiệp trong hai năm.

"Tôi thấy rằng lãi suất hiện nay đang quá cao, đa số doanh nghiệp đang phải vật lộn với khó khăn, cơ quan quản lý không thể đề ra một mục tiêu quá cao, nêu các giải pháp 1, 2, 3, 4 rồi đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được ngay. Chúng tôi cần có thêm thời gian", bà Nga nói.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga: 5-6 năm nay chúng tôi không dám triển khai một dự án mới nào thì sợ không xoay sở được vốn.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga: 5-6 năm nay chúng tôi không dám triển khai một dự án mới nào thì sợ không xoay sở được vốn.

Vừa là doanh nghiệp, vừa là đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá cũng nói rằng, tại tỉnh Thanh Hoá thời gian qua số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng phá sản cũng nhiều.

"Với mức quân bình giữa số lượng doanh nghiệp vào và ra như hiện nay, tôi cũng đồng ý với chị Nga là mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 là quá khó", ông Đoan nói.

Một số lý do doanh nghiệp Thanh Hoá đang khó khăn, theo ông Đoan là do thiếu vốn, thủ tục cải cách hành chính còn rườm rà, chính sách không nhất quán, thanh kiểm tra nhiều... khiến nhiều doanh nghiệp "ốm" và suy yếu.

Cần có chiến lược dài hạn, cụ thể

Nêu giải pháp, ông Cao Tiến Đoan đề nghị Nhà nước và hệ thống ngân hàng thực hiện triệt để việc đơn giản hoá thủ tục đối với hoạt động tín dụng, đặc biệt là các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp đến, ông Đoan đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại giảm biên lợi nhuận ròng (NIM), giảm trích lập dự phòng để hỗ trợ thêm lãi suất cho doanh nghiệp và giảm mức nợ cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Đông Á - ông Cao Tiến Đoan

Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Đông Á - ông Cao Tiến Đoan

Theo Chủ tịch Tập đoàn Đông Á, doanh nghiệp vay ngân hàng đã có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo giá trị 10 thì thẩm định chỉ được 7-8, rồi lại phải vay lãi suất cao trên giá trị 7-8 đó, khiến doanh nghiệp vừa chịu gánh nặng chi phí đầu vào cao, vừa không đủ năng lực tài sản thích ứng với khó khăn. Trong khi đó, NIM ngân hàng 3-4% hiện nay theo ông Đoan là cao.

Cuối cùng, ông Đoan đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ vì nhóm này đang yếu đuối, nhưng đều là doanh nghiệp nội, cần được hỗ trợ để phát triển thêm.

Nói về chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng Việt Nam cần có chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp và sản phẩm trong nước để đối trọng với doanh nghiệp nước ngoài và chiến lược này phải là dài hơn, dài hạn, cụ thể, thiết thực.

"Cần phải phát triển doanh nghiệp tư nhân để khu vực này thực sự trở thành trụ cột của nền kinh tế. Hiện nay kinh tế nước ta đang do nước ngoài làm trụ cột, quý I/2023 76% xuất khẩu của ta là do khối FDI. Từ trước đến nay FDI cứ xuất siêu còn doanh nghiệp nội nhập siêu", ông Nghĩa lưu ý.

Để có thể khiến số lượng doanh nghiệp "lớn" gấp đôi sau hai năm, theo TS. Cấn Văn Lực và Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga, thì không có cách nào khác là phải có cơ chế chính sách hỗ trợ để chuyển đổi những hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.

"Muốn vậy phải tháo gỡ rào cản của môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì họ mới gia nhập cộng đồng doanh nghiệp", bà Nga nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục