Kinh tế 9 tháng, mảng sáng lan dần

(ĐTCK) Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng chậm với mức tăng 0,65%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Ngược lại, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng cao, đạt mức tăng 7,5%, khu vực dịch vụ đạt mức tăng 6,66%...
Ttăng trưởng kinh tế quý III/2016 có bước bứt phá so với cùng khoảng thời gian những năm gần đây

Đó là số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016. Theo đó, GDP 9 tháng năm 2016 ước tính tăng trưởng 5,93%, thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, lạm phát duy trì ở mức thấp; xuất khẩu hàng hóa tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; tiêu dùng cuối cùng và tích lũy của nền kinh tế tăng cao, dư nợ tín dụng tăng trên 10%; thanh khoản VND của toàn hệ thống tiếp tục được đảm bảo, hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ về cơ bản ổn định và thông suốt.

Phân tích bức tranh tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp song nhìn tổng thể, tăng trưởng kinh tế quý III có bước bứt phá so với cùng khoảng thời gian những năm gần đây.

“Độ doãng của quý III so với quý II cao gấp đôi độ doãng của quý II so với quý I cho thấy, lĩnh vực nông lâm nghiệp, thuỷ sản đã ấm lên sau 6 tháng tăng trưởng âm. Biểu hiện tích cực nữa là nhập khẩu hàng hoá trong 9 tháng đầu năm đã phục hồi với mức tăng trưởng 1,3%, trong khi 6 tháng đầu năm 2013 giảm 0,5%”, ông Tuyến nói, đồng thời cho biết thêm, nhập khẩu trong 9 tháng chủ yếu là nguyên vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất, đây là dấu hiệu sản xuất đã phục hồi và sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng của quý IV.

Theo ông Tuyến, thực tế tăng trưởng 9 tháng qua đã phá vỡ quan điểm lâu nay rằng, tăng trưởng của Việt Nam luôn phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng.

“9 tháng đầu năm, khu vực này tăng trưởng âm, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp nhìn chung vẫn đạt kế hoạch (9 tháng tăng 7%). Điều này cho thấy, Việt Nam dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng và mức tăng trưởng đã có sự đóng góp lớn từ sản xuất - kinh doanh thực của các doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của toàn nền kinh tế. Đây là kinh nghiệm để chúng ta phát triển thông qua tăng trưởng sản xuất - kinh doanh trong các năm tới”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, bên cạnh những kết quả đạt được trong quý III, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề nổi lên lớn nhất là hoạt động xuất khẩu chưa thực sự cải thiện, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, có thể ảnh hưởng đến khả năng đạt kế hoạch tăng trưởng cả năm. Trong các tháng còn lại của năm, 3 nhân tố có thể tạo động lực để kinh tế tăng trưởng bứt phá, đó là sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tốc độ tái cơ cấu kinh tế và tiêu dùng trong nước.

Để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,7% trong năm 2016, cùng với các giải pháp tổng thể như tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, cần đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích nghi với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, để phát huy nguồn lực từ các khu vực doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế bứt phá, ông Lâm khuyến nghị, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Có các chính sách về tài chính giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vươn lên và phát triển mạnh mẽ để tạo làn sóng kinh doanh và gia nhập thị trường của các doanh nghiệp.

Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Khuyến khích và đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định để tăng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chính sách điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành nên tập trung vào việc kích thích sản xuất - kinh doanh, tăng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục