Phát biểu trước Quốc hội trong phiên bế mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thưa ông, giảm lãi suất cho vay bằng cách nào?
Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay mới chỉ là một vế, vế sau, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phải bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Trước khi bàn tới các dư địa có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phải đặt câu hỏi có cần thiết phải giảm lãi suất không. Theo tôi là có, vì trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh, ai cũng biết là ngày càng khốc liệt.
"Nói chung, mặt bằng lãi suất vay ngân hàng của nước ta vẫn còn cao hơn so với khu vực, khiến sức cạnh tranh của hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất ra yếu hơn"
- TS. Trần Hoàng Ngân.
Trong cạnh tranh, bên cạnh đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm; nâng cao chất lượng hàng hóa còn phải cạnh tranh về giá thành sản phẩm. Muốn hạ được giá thành sản phẩm, ngoài việc nâng cao năng suất lao động; tổ chức quản lý, sản xuất khoa học, hợp lý, thì phải giảm được các chi phí đầu vào, trong đó phải giảm được giá vốn, tức là giảm lãi suất vay ngân hàng rất quan trọng, vì phần lớn vốn hoạt động của doanh nghiệp nước ta là vay ngân hàng.
Trở lại với câu hỏi, liệu còn dư địa nào để giảm lãi suất?
Lãi suất vay vốn ngân hàng của Việt Nam hiện tại tương đương Campuchia, Indonesia, nhưng cao hơn Malaysia, Thái Lan, Singapore… Nói chung, mặt bằng lãi suất vay ngân hàng của nước ta vẫn còn cao hơn so với khu vực, khiến sức cạnh tranh của hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất ra yếu hơn.
Điều này được minh chứng là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm chưa đầy 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, số còn lại do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đảm nhận. Cụ thể là trong 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 96,83 tỷ USD, thì doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 27,93 tỷ USD, trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 68,9 tỷ USD.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, vì thế không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính ép ngân hàng hạ lãi suất mà dư địa nằm trong tay ngân hàng. Các ngân hàng phải ý thức rằng, cho vay với lãi suất thấp thì ít rủi ro vì doanh nghiệp giảm được chi phí, hạ được giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, hoạt động có hiệu quả nên tăng được khả năng trả nợ. Ngược lại, cho vay lãi suất cao, tưởng rằng thu được nhiều lợi nhuận, nhưng chưa chắc, vì độ rủi ro cao, nợ xấu tăng, ngân hàng phải bỏ lợi nhuận ra để trích lập dự phòng rủi ro do chi phí của doanh nghiệp lớn, sức cạnh tranh giảm, không bán được sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, không có tiền để trả nợ.
Nhưng nhà băng chỉ là định chế tài chính trung gian, họ huy động với lãi suất cao thì phải cho vay với lãi suất cao hơn...?
Mặt bằng lãi suất không chỉ phụ thuộc vào cung cầu vốn, tính thanh khoản của từng ngân hàng, mà còn phụ thuộc rất lớn vào lạm phát. Vì thế, bàn tay hữu hình của Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay vô cùng quan trọng, mặc dù không can thiệp trực tiếp vào thị trường.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là Ngân hàng Trung ương sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ bảo đảm cung cầu vốn trên thị trường tiền tệ luôn cân bằng, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Và cũng bằng các chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tính thanh khoản cho từng nhà băng cũng như toàn hệ thống ngân hàng, như vậy, vấn đề cung cầu vốn và thanh khoản ngân hàng không đáng lo, hoàn toàn có thể can thiệp kịp thời theo cơ chế thị trường.
Vấn đề còn lại phải giải quyết nếu muốn hạ lãi suất là phải kiểm soát được lạm phát. Đây là công việc của các bộ, ngành, địa phương chứ không riêng gì Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính. Nếu năm nay lạm phát dưới 5%, ngân hàng huy động với lãi suất 6-7% và cho vay ở mức 8-9%, tức là đã giảm được mặt bằng lãi suất cho vay theo yêu cầu của Thủ tướng.
Lạm phát đâu chỉ phụ thuộc vào điều hành của các bộ, ngành, mà còn phụ thuộc vào thị trường thế giới, đặc biệt là giá xăng dầu, thưa ông?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là phụ thuộc vào các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đặc biệt là giá dịch vụ y tế (viện phí) và giá dịch vụ giáo dục (học phí). Về cơ bản, các địa phương đã điều chỉnh viện phí và nhiều địa phương đã điều chỉnh học phí, từ nay đến cuối năm, dư địa tăng viện phí, học phí không còn nhiều, nên không gây áp lực lên CPI.
Thứ hai là phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết. Điều này là bất khả kháng và cũng không thể tính trước được. Nếu thiên nhiên, thời tiết bất lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, sẽ tác động ngay đến giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Thứ ba là phụ thuộc vào giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá bán lẻ xăng dầu. Giá bán lẻ xăng dầu đã giảm liên tiếp 2 lần trong tháng 7, khiến tốc độ tăng CPI tháng 7 chỉ tăng 0,13% so với tháng 6 (thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng CPI tháng 6 là 0,46%). Thị trường xăng dầu thế giới khó có thể tăng mạnh trở lại trong thời gian tới do kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ… tăng trưởng chậm lại, vì thế xăng dầu khó có thể gây áp lực lên CPI.
Với diễn biến này, tôi cho rằng, tốc độ tăng CPI năm nay nhiều khả năng dưới 5%. Đây là cơ sở rất quan trọng để ngân hàng giảm lãi suất huy động, qua đó giảm mặt bằng lãi suất cho vay theo yêu cầu của Thủ tướng.