Báo cáo Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Chính phủ dự báo năm nay hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
Với những kết quả đã đạt được trong 3 quý đầu năm, tôi tin rằng, năm 2018, chúng ta sẽ hoàn thành cả 12 chỉ tiêu được Quốc hội đặt ra tại Nghị quyết 48/2017/QH14. Không những thế, năm nay, Việt Nam đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng như kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát; tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch tích cực...
Kết quả đạt được sẽ tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, do đó, những thành quả đạt được trong năm nay, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP nhiều khả năng cao hơn 6,7% - vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra là tăng 6,5 - 6,7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, cao hơn 22 tỷ USD so với mốc kỷ lục đạt được năm 2017; lạm phát được kiểm soát hiệu quả, mặc dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng liên tục từ đầu năm và các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh dần theo sát giá thị trường… có ý nghĩa rất quan trọng, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân vào cuộc đồng hành cùng Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết 142/2016/QH13.
Tuy nhiên, chất lượng của một số chỉ tiêu chưa cao, nhiều thách thức tồn tại từ các năm trước chưa được xử lý triệt để, nhiều thách thức mới đã xuất hiện, trong đó đáng lưu ý là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng, cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn đồng thời là những đối tác quan trọng của Việt Nam, sẽ tác động đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đến sự bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.
Về chất lượng tăng trưởng, ông chưa yên tâm điểm nào?
Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng có cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu.
Cụ thể, năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GDP ước tính năm 2018 đạt 40,23%, thấp hơn mức 45,47% của năm 2017, mặc dù cao hơn bình quân của giai đoạn 2011 - 2015 là 33,58%. Con số này vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 5,6%, cao hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của giai đoạn 2011 - 2015 (đạt 4,3%/năm), nhưng năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines.
Hệ số ICOR - thước đo về sử dụng hiệu quả vốn đầu tư vẫn còn khá cao: ở mức 6,42 năm 2016; 6,11 năm 2017 và dự kiến khoảng 6,46 năm 2018.
Thứ hai, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành này đang dần chững lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo 9 tháng năm 2018 đạt 12,65%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2017 là 12,77%. Đóng góp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo mới dừng lại ở khâu gia công với giá trị gia tăng thấp và chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
Thứ ba, một động lực quan trọng khác của nền kinh tế là xuất khẩu, mặc dù tăng trưởng luôn duy trì ở hai con số trong những năm gần đây và năm nay là năm thứ ba liên tiếp xuất siêu (khoảng 1 tỷ USD), nhưng 70% kim ngạch xuất khẩu là do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
Nếu nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì mặc dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao, nhưng đời sống người dân vẫn chậm cải thiện. Hơn nữa, động lực tăng trưởng từ xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là hữu hạn và thường không bền vững, có thể thay đổi rất nhanh khi những ưu đãi của chính sách thay đổi hoặc nhà đầu tư chuyển hướng khi thị trường biến động.
Đúng là tăng trưởng GDP hiện phụ thuộc rất lớn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng mỗi năm có thêm hàng trăm ngàn doanh nghiệp thành lập mới. Trong tương lai, khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế?
Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế mới đây để thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch năm 2019 cũng như đánh giá giữa kỳ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn… giai đoạn 2016 - 2020, các thành viên Ủy ban Kinh tế đã phân tích đa chiều về vấn đề này.
Các thành viên Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh; giảm thiểu điều kiện kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện; giảm thiểu hoạt động thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…
Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp thành lập tăng rất mạnh, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và vốn bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng liên tục, nhưng số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cũng khá cao.
Trong 9 tháng đầu năm nay, có hơn 96.600 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể cũng lên đến hơn 73.100, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tiếp tục gia tăng, nhưng tốc độ tăng có xu hướng giảm cả về số lượng, quy mô vốn và lao động sử dụng. Với thực tế này, tôi cho rằng, nếu tình hình không được cải thiện, thì mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp, đóng góp 50% vào tăng trưởng năm 2020 sẽ khó hoàn thành.
Vẫn còn hơn 2 năm nữa để hoàn thành mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp. Để hoàn thành mục tiêu này, cần phải làm gì, thưa ông?
Phải khẳng định rằng, Chính phủ rất quyết tâm phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân và đã đưa ra rất nhiều giải pháp để thực hiện. Các nghị quyết 19/NQ-CP từ năm 2014 đến nay về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35/NQ-CP (ngày 16/5/2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, cũng như nhiều nghị quyết của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm tháo bỏ mọi rào cản để khu vực tư nhân phát triển.
Tuy nhiên, khâu thực thi của các cấp, các ngành và thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp chưa đảm bảo yêu cầu.
Đơn cử, Chính phủ chỉ đạo phải cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh, một số bộ, ngành làm rất tốt, như Bộ Công thương, nhưng cũng có trường hợp tính một điều kiện kinh doanh được bãi bỏ tương đương một điều kiện được sửa đổi, trong khi điều kiện được sửa đổi rất đơn giản, có khi chỉ sửa đổi một vài câu chữ mà bản chất không thay đổi, tính chất đơn giản hóa không đáng kể.
Tình trạng thanh tra chuyên ngành còn chồng chéo, nhiều lần trong một năm, dù Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chấn chỉnh, đã có 2 chỉ thị về vấn đề này. Vì thế, dù mức độ đóng góp vào GDP, nộp ngân sách nhà nước cao hơn nhiều khu vực kinh tế nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng khu vực tư nhân trong nước phát triển chưa thật bền vững.
Để có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, theo tôi, phải thực hiện quyết liệt các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có các giải pháp khả thi để chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.