Sau khoảng một thập kỷ kinh tế Nhật Bản phát triển trì trệ bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008 - 2009) cũng như những bất lợi về mặt cơ cấu dân số, năm 2014, quốc gia này đã phát động “Chiến lược tái thiết Nhật Bản”, trong đó chú trọng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả và lợi nhuận của doanh nghiệp thông qua tăng cường quản trị doanh nghiệp.
Để làm được điều này, Nhật Bản đã tiến hành xây dựng song song Bộ quy tắc về trách nhiệm quản lý và Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp.
Hai bộ quy tắc này như hai bánh của một chiếc xe, giúp gia tăng hoạt động đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết và tin tưởng giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, hướng tới tạo dựng giá trị doanh nghiệp bền vững.
Bộ quy tắc về trách nhiệm quản lý của Nhật Bản (đưa vào sử dụng từ tháng 2/2014) hướng tới đối tượng là các tổ chức đầu tư, tăng cường trách nhiệm quản lý, điều chỉnh và hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện quyền biểu quyết, đối thoại giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp, nhằm nâng cao khả năng sinh lời trung - dài hạn cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp (chính thức áp dụng đối với các công ty niêm yết từ tháng 6/2015) là một cơ chế điều chỉnh tính minh bạch, công bằng và kịp thời, ra quyết định hiệu quả của công ty.
Không giống như các quy định bắt buộc trong luật/bộ luật, Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp được xây dựng dựa trên cách tiếp cận “tuân thủ hoặc giải thích”.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án không áp dụng các quy định được đề cập trong nội dung bộ quy tắc, với điều kiện phải đưa ra được các giải thích phù hợp. Cách tiếp cận này được coi là khá linh hoạt, giúp các doanh nghiệp có thể tự cân nhắc hoàn cảnh cụ thể của công ty để đưa ra quyết định về việc có hay không tuân thủ các nguyên tắc được đề ra.
Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp của Nhật Bản có những điểm khác biệt so với Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp của châu Âu.
Nếu Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp tại các nước châu Âu được xây dựng nhằm ngăn chặn những rủi ro (quản trị phòng thủ), thì Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp của Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp tăng cường khả năng thu lợi nhuận bằng cách chấp nhận rủi ro (quản trị tấn công).
Mục tiêu hướng tới của hai bộ quy tắc này cũng khác nhau. Trong khi Bộ quy tắc quản trị châu Âu hướng về chủ nghĩa tư bản vì cổ đông (shareholder maximization) và tập trung vào lợi ích trong ngắn hạn, thì Bộ quy tắc quản trị của Nhật Bản hướng về tầm nhìn dài hạn và coi trọng tất cả các bên liên quan (stakeholder maximization).
Một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp của Nhật Bản là tăng cường tính đối thoại giữa cổ đông và doanh nghiệp.
Các chính sách thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng giữa cổ đông và doanh nghiệp sẽ góp phần hỗ trợ cho việc phát triển bền vững và gia tăng giá trị công ty trong trung và dài hạn.
Bộ quy tắc bao gồm 73 nguyên tắc được áp dụng cho tất cả các công ty niêm yết tại Nhật Bản. Các công ty niêm yết tại thị trường 1 và 2 bắt buộc phải tuân theo toàn bộ các nguyên tắc. Các công ty khác chỉ cần tuân theo các nguyên tắc chung, song các công ty này cũng được khuyến nghị lưu ý với các nguyên tắc còn lại.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo vào tháng 12/2015, có 216 công ty tuân thủ toàn bộ 73 nguyên tắc (chiếm 11,6%), 1.642 công ty (chiếm 88,4%) tiến hành giải thích một phần các nguyên tắc, trong đó 1.233 công ty áp dụng trên 90% số lượng các nguyên tắc và chỉ có 22% số doanh nghiệp có tỷ lệ áp dụng dưới 90% số nguyên tắc.
Panasonic là một trong những ví dụ về quản trị thành công. Tập đoàn không “ngủ quên” trong chiến thắng, mà nhìn thấy trước yêu cầu cần phải đổi mới. Do đó, Tập đoàn 100 tuổi này không chỉ hướng tới đổi mới công nghệ, cập nhật lối sống cho người tiêu dùng, mà còn mong muốn đổi mới văn hóa làm việc và tư duy quản lý.
Panasonic bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo tương lai bằng cách đặt họ vào các tình huống thách thức khi họ chỉ mới ở độ tuổi 30 và trao quyền để những nhà lãnh đạo tương lai này tìm ra giải pháp. Bên cạnh đó, lãnh đạo buộc phải có nhãn quan toàn cầu để nhìn nhận sự việc dưới góc độ tổng thể.
Cũng tại Tập đoàn, văn hóa quản trị cho phép người lao động tự do lên tiếng và đặt vấn đề với quản lý cấp cao nhất một cách linh hoạt, không cần chú trọng đến các yếu tố cứng nhắc như tuổi tác, giới tính, chức vụ…
Tham khảo các quy định về quản trị công ty của Nhật Bản, nhà quản lý và các doanh nghiệp có thể học hỏi và cân nhắc như việc xây dựng quy định về quản trị doanh nghiệp dựa trên cách tiếp cận “tuân thủ hoặc giải thích”; tăng cường tính đối thoại giữa cổ đông và doanh nghiệp; vấn đề về công bố thông tin doanh nghiệp, vấn đề về thành viên Hội đồng quản trị độc lập...