Các bất ổn bắt đầu với việc tháng trước, Iwon Jeil Cha - một công ty có mục đích đặc biệt được thành lập bởi Gangwon Jungdo Development Corp. (GJC) để tài trợ cho việc xây dựng khu nghỉ dưỡng - đã lỡ thanh toán khoản nợ 205 tỷ won (142,3 triệu USD) và sau đó bị liệt vào danh sách phá sản đầu tháng 10.
Ngay sau sự việc này, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 91 ngày của Hàn Quốc đã neo ở mức 4,58%/năm - mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây, tăng vọt so với mức 3,25%/năm trong tháng trước đó. Để đối phó với tình hình bất ổn của thị trường trái phiếu, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định giảm mạnh việc phát hành trái phiếu chính phủ trong 2 tháng còn lại của năm nay, đồng thời công bố kế hoạch mở rộng tài trợ cho các chương trình thanh khoản lên ít nhất 50.000 tỷ won (tương đương 35 tỷ USD). Chính phủ nước này cũng sẽ kích hoạt "quỹ bình ổn thị trường trái phiếu" trị giá 1.600 tỷ won.
Một quỹ bình ổn thị trường trái phiếu trị giá 10.000 tỷ won đã được kích hoạt vào năm 2008 cũng sẽ được mở. Cùng với đó, 3.000 tỷ won được tạo ra sau đại dịch Covid-19, trong đó 1.400 tỷ won đã được bơm vào để ổn định thị trường nhằm giải tỏa lo ngại ngày càng tăng về trái phiếu doanh nghiệp và thị trường tiền tệ ngắn hạn và để ngăn chặn tình trạng suy giảm thanh khoản. Trái phiếu công ty và thương phiếu cũng sẽ được mua như một phần của chương trình thanh khoản.
Bắt đầu từ tháng 11, việc gọi vốn bổ sung, thu đổi trái phiếu từ các đối tác sẽ được thực hiện khi đối tác có nhu cầu. Mức trần cho các chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cũng được nâng lên 16.000 tỷ won, gấp đôi so với hồi tháng 10.
Biện pháp can thiệp của Chính phủ Hàn Quốc có phần giống với biện pháp trước đó của Chính phủ Trung Quốc. Theo đó, hồi tháng 9/2022, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quỹ trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 29 tỷ USD) để ứng phó cuộc khủng hoảng thanh khoản đang lan rộng của ngành bất động sản. Quỹ này thực tế không phải nhằm kích thích thị trường bất động sản hoặc giải cứu các nhà phát triển dự án đã mở bán hoặc bị đình hoãn do khó khăn thanh khoản, mà để ứng phó với khủng hoảng từ thị trường địa ốc có thể "cháy lan" sang các ngân hàng Trung Quốc, vốn đang phải vật lộn với căng thẳng thanh khoản và gây rủi ro cho thị trường nhà ở rộng lớn chiếm 1/4 GDP nước này.
Theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á, tính đến tháng 9/2022, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc đạt 6.500 tỷ USD, tương đương 78,3% GDP 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu là 1,35%. Thế nhưng, 76% số trái phiếu vỡ nợ tại Trung Quốc đều tự giải quyết bởi các thành viên thị trường.
Hiện nay, có 2 giải pháp được áp dụng phổ biến tại Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu cho nhà đầu tư. Thứ nhất là giải pháp “hàng đổi hàng”, số lượng trái phiếu đến hạn sẽ được thanh toán bằng sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị tương đương, thay vì tiền mặt. Thường doanh nghiệp chuyển đổi trái phiếu thành bất động sản như căn hộ, đất phân lô, thậm chí là biệt thự và chi trả cho nhà đầu tư.
Giải pháp thứ hai là thu xếp giãn nợ, thay vì ép buộc các doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư có thể yêu cầu đại diện chủ nợ hoặc đơn vị phân phối đàm phán với doanh nghiệp để thực hiện giãn kỳ hạn trả nợ bằng cách kết hợp thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu. Nhờ 2 giải pháp chính này mà tại thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc, hơn 46% lô trái phiếu vỡ nợ của các doanh nghiệp bất động sản cũng đã xử lý ổn thỏa.