Ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, kính tiết kiệm năng lượng là sản phẩm có công năng cao. Khác với kính thông thường, kính tiết kiệm năng lượng được sản xuất bằng cách phủ các lớp vật liệu vô cơ với kích thước nano lên bề mặt phố kính trắng nhằm kiểm soát năng lượng mặt trời truyền qua kính. Ngoài ra, các lớp phủ có khả năng ngăn chặn một cách chọn lọc các tia bức xạ nhiệt từ mặt trời và tạo nên màu sắc kính.
Nhờ đó, kính tiết kiệm năng lượng giúp giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và ngoài công trình. Ngoài ra, với hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC) nhỏ sẽ giúp ngăn cản phần lớn năng lượng nhiệt truyền từ mặt trời thông qua vách kính. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí điện năng cho hệ thống điều hòa không khí, hệ thống sưởi ấm, mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát hay giữ ấm tùy theo khí hậu từng vùng.
Với lợi ích đó, kính tiết kiệm năng lượng được xem như lời giải cho bài toán tiết kiệm điện năng cho công trình, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng và cũng là lời giải hiệu quả trong đầu tư.
Tại Việt Nam, cũng đã có một số tòa nhà sử dụng kính tiết kiệm năng lượng như tòa nhà Vincom Center (TP.HCM), trụ sở Bộ Công an (Hà Nội)… Không chỉ các tòa nhà văn phòng, kính tiết kiệm năng lượng cũng đã được sử dụng tại các tòa nhà chung cư như Thăng Long Number One của Viglacera, hai dự án Rivera Park của Long Giang Land, The Legend của Đại Việt Trí Tuệ, Dự án Vinhomes Metropolis Liễu Giai của Vingroup...
Tuy nhiên, nhìn chung, kính tiết kiệm năng lượng vẫn chưa được sử dụng phổ biến tại Việt Nam do chi phí và góc nhìn nhận còn hạn chế của người dùng.
Một lãnh đạo Công ty Long Giang Land, chủ đầu tư dự án Rivera Park Hà Nội, cho biết, giá thành đầu tư kính Low-e cao hơn tối thiểu khoảng 50% so với kính thông thường. Khi người mua nhà chưa thực sự hiểu rõ về tính năng và hiệu quả của kính Low-e thì họ rất dễ đặt ra những thắc mắc về việc đầu tư loại kính này để làm gì khiến giá nhà tăng.
Lý do này khiến nhiều chủ đầu tư, dù rất muốn sử dụng kính Low-e trong dự án của mình, nhưng không dám, vì e ngại việc giá tăng sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản dự án, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh như hiện nay. Bản thân chủ đầu tư này, dù có lợi thế từng là nhà thầu xây dựng nên có khả năng tiếp cận thị trường và đàm phàn mức giá tốt với các nhà sản xuất, cũng phải cân nhắc khá nhiều khi tiến hành áp dụng kính tiết kiệm năng lượng Low-e vào dự án của mình.
Một trở ngại nữa khiến việc sử dụng kính Low-e chưa phổ biến tại các dự án chung cư ở Việt Nam là do sử dụng loại vật liệu này, đòi hỏi đội ngũ tư vấn thiết kế phải đưa ra được bài toán cụ thể để thuyết phục người mua. Chẳng hạn, nếu sử dụng kính Low-e sẽ tiết kiệm bao nhiêu số điện, quy ra tiền trong thời gian nhất định (theo năm, theo tháng)...
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Phục Hưng Holdings, nhà thầu đã thi công khá nhiều dự án có lắp đặt kính tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, khó khăn hiện nay là người thiết kế chưa làm được vai trò tư vấn cho chủ đầu tư, bởi sự thiếu thốn dữ liệu thông tin về vật liệu kính. Nhiều nhà thiết kế tại Việt Nam chưa làm chủ những kiến thức về điều kiện khí hậu, thiếu những kiến thức sử dụng vật liệu kính, thiếu các công cụ (mô phỏng, tính toán...) trong quá trình thiết kế. Một nhóm nhỏ còn dễ dãi trong việc tư vấn sử dụng vật liệu kính, khiến tác phẩm của họ hào nhoáng nhưng lại không đạt về tiện nghi sử dụng và hiệu quả kinh tế lâu dài cho công trình.
Ngoài ra, hiện nay người sử dụng các công trình xây dựng đều chưa được cung cấp kiến thức đầy đủ để hiểu một cách rõ ràng về vận hành công trình hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Chính vì vậy, khi vận hành thường mắc rất nhiều sai lầm khiến cho các công trình sử dụng kính rất nhanh bị xuống cấp hoặc không đạt hiệu quả sử dung mong muốn.
Tuy nhiên, ông Lâm hy vọng rằng, với tính năng vượt trội, kính tiết kiệm năng lượng chắc chắn trở thành giải pháp thay thế cho vật liệu kính thông thường, bởi hiệu quả kinh tế mà nó có thể mang đến cho những công trình hiện đại.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com