Kinh doanh vàng phải chuyên nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Để ổn định thị trường vàng, giảm áp lực lên tỷ giá, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chỉ đạo siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Giá vàng trong nước biến động mạnh và chênh lệch lớn với giá vàng thế giới gây áp lực lên điều hành tỷ giá Giá vàng trong nước biến động mạnh và chênh lệch lớn với giá vàng thế giới gây áp lực lên điều hành tỷ giá

Yêu cầu nghiêm túc thực hiện hóa đơn điện tử

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Văn bản số 231 thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Trong đó, với thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài, bảo đảm thị trường hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, không để vàng hóa nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và việc điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản có liên quan, hoàn thành trong tháng 5/2024.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua bán vàng, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/6/2024 và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh lĩnh vực này không thực hiện đúng quy định về hoá đơn điện tử.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, cơ quan này đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn nghiêm túc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định hiện hành, qua đó, tuân thủ pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đến ngày 15/6/2024, nếu đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép.

“Các đơn vị kinh doanh vàng miếng phải thường xuyên nắm bắt thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng để đảm bảo chấp hành đúng quy định về niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng. Khác với những ngành nghề khác, ngành nghề sản xuất - kinh doanh liên quan đến vàng, loại hàng hóa đặc biệt có mối liên hệ bản chất đến tiền tệ, nên việc quản lý và thực thi pháp luật liên quan hoạt động này giữ vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của lĩnh vực vàng trang sức mỹ nghệ mà còn đối với sự ổn định và phát triển nền kinh tế”, ông Lệnh khẳng định.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm

Ngày 17/5 vừa qua, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP.HCM (SJA) đã phối hợp với Cục Thuế TP.HCM, Cục Quản lý thị trường TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, Cục Tiêu chuẩn đo lường - Sở Khoa học Công nghệ, Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM… tổ chức hội nghị quán triệt các quy định liên quan đến xuất hóa đơn điện tử với khoảng 600 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn. Chủ tịch SJA, ông Nguyễn Văn Dưng cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử từ hơn một năm nay. Đồng thời, các doanh nghiệp vàng đã kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, người đứng đầu SJA cho rằng, khó khăn lớn nhất của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay liên quan đến chứng từ về nguồn gốc xuất xứ vàng. Vì kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và nữ trang vàng nên buộc doanh nghiệp phải mua vàng trôi nổi trên thị trường và đến nay lại phải hoàn thiện chứng từ thì cần phải có sự hướng dẫn của cơ quan thuế mới có thể đồng bộ được.

Trong khi đó, theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, đến ngày 14/5/2024, cơ quan này đã phát hiện, kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn và tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm các mặt hàng nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí một số cửa hàng còn giả nhãn mác của các thương hiệu nữ trang lớn. Hiện các vụ việc tiếp tục được xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.

Về kết quả xử lý, đến thời điểm này, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã xử phạt 21 vụ vi phạm trong kinh doanh vàng, với số tiền 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Nếu các sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập khẩu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ được Cục Quản lý thị trường TP.HCM tịch thu theo quy định pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tăng cường triển khai các biện pháp quản lý thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Từ ngày 20/5/2024, Tổng cục Hải quan đã mở đợt kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới. Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, thị trường vàng, ngoại tệ thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng, giá ngoại tệ trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Hiện tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ nổi lên khi giá vàng có sự chênh lệch lớn so với các nước trên thế giới. Tổng cục Hải quan ký ban hành kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.

Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, giải pháp để ổn định thị trường vàng là sớm xóa độc quyền vàng miếng SJC và xem xét cho nhập khẩu vàng nguyên liệu chính ngạch. Tổng giám đốc SJC, bà Lê Thúy Hằng mới đây đã lên tiếng đề xuất bỏ chính sách độc quyền vàng miếng nhãn hiệu SJC, vì doanh nghiệp không được hưởng lợi gì.

Theo bà Hằng, thời điểm Nghị định 24/2012/NĐ-CP chưa ra đời, vốn chủ sở hữu của SJC là 400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng 300 - 400 tỷ đồng/năm. Từ sau năm 2012, mức lãi sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng. Do không được sản xuất vàng miếng, nhiều năm qua, doanh nghiệp phải chuyển hướng làm vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này. Đây cũng là nguyên nhân khiến vàng miếng SJC khan hiếm do Ngân hàng Nhà nước không cấp quota cho phép SJC dập vàng miếng, trong khi cầu vẫn tăng.

Với việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng để tăng cung cho thị trường, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Dài hơi hơn, khi sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến phương án xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng Thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cũng cho rằng, khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế lên đến 20 triệu đồng/lượng sẽ rất khó kiểm soát vàng lậu. Do đó, cần cho phép nhập một ít vàng nguyên liệu.

Theo ông Khánh, quyền cấp phép nhập khẩu bao nhiêu vàng vẫn nằm trong tay của Ngân hàng Nhà nước, do đó, nhà điều hành có thể cân đối.

Ông Khánh tính toán, việc nhập khẩu vàng cũng không tiêu tốn nhiều ngoại tệ như các lĩnh vực khác. Với nhu cầu bình quân vàng đầu tư, gồm vàng miếng và nhẫn trơn 24K ước tính khoảng 30 tấn mỗi năm, lượng ngoại tệ cần thiết để nhập về vào khoảng 2,3 tỷ USD, tính theo mức giá hiện tại.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục