Kính Đáp Cầu (mã DSG): Mờ mịt đường ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thua lỗ liên tục, tài chính khó khăn, tương lai của thương hiệu kính nổi danh một thời đang trở nên mờ mịt.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Tại báo cáo kiểm toán năm 2020 của Công ty cổ phần Kính Viglacera Đáp Cầu (Kính Đáp Cầu, mã chứng khoán DSG), kiểm toán viên đã nhấn mạnh về “sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục” của Công ty.

Lỗ luỹ kế của Kính Đáp Cầu lên tới 260,82 tỷ đồng, tương ứng 86,9% vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2020, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 29,93 tỷ đồng, tổng số nợ quá hạn chưa thanh toán là 70,2 tỷ đồng và lỗ luỹ kế là 260,82 tỷ đồng, tương ứng 86,9% vốn chủ sở hữu.

Thực tế, tình trạng thua lỗ của Kính Đáp Cầu đã diễn ra từ nhiều năm nay khi sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày một gay gắt. Trong đó, 2020 là năm Công ty báo lỗ kỷ lục, với 20,5 tỷ đồng.

Cùng với hiệu quả kinh doanh suy giảm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp liên tục thâm hụt.

Cụ thể, năm 2018, dòng tiền kinh doanh âm 61,2 tỷ đồng, năm 2019 âm 7,7 tỷ đồng và năm 2020 âm 35 tỷ đồng.

Kính Đáp Cầu đã bù đắp sự thâm hụt vốn bằng phát hành riêng lẻ cổ phiếu để huy động 152,9 tỷ đồng trong năm 2018; thu hồi các khoản cho vay, bán lại các công cụ nợ năm 2019 là 49,2 tỷ đồng, năm 2020 là 13,4 tỷ đồng… Mặc dù vậy, tính tới 31/12/2020, Công ty chỉ còn 1,8 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, chiếm 0,98% tổng tài sản.

Khó trông chờ vào công ty mẹ

Bóc tách số nợ quá hạn của Kính Đáp Cầu tại thời điểm cuối năm 2020, có thể thấy, trong số 70 tỷ đồng nợ quá hạn của Công ty, có khoản vay Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội là 2,3 tỷ đồng nợ gốc, lãi vay 1,46 tỷ đồng đến hạn nhưng chưa thanh toán.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có 8,8 tỷ đồng nợ quá hạn chưa thanh toán đối với công ty mẹ, tiền nộp bảo hiểm và các khoản khác; phải trả người bán ngắn hạn đang quá hạn 51,8 tỷ đồng…

Với tình hình tài chính không được đánh giá cao ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp sẽ gặp thách thức không nhỏ khi tiếp xúc với nhà đầu tư, chủ nợ, cổ đông hay nhà cung cấp dịch vụ để có thể kinh doanh bình thường.

Sở dĩ báo cáo tài chính năm 2020 của Kính Đáp Cầu, theo ý kiến của kiểm toán viên, vẫn được trình bày trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là vì một số lý do, trong đó có việc Công ty đang làm thủ tục để chuyển nhượng khu đất nhà máy kính rộng hơn 125.000 m2 tại trung tâm thành phố Bắc Ninh sang đất ở nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của khu đất và “công ty là công ty con của Tổng công ty Viglacera nên vẫn nhận được sự hỗ trợ về tài chính của công ty mẹ và các công ty liên quan”.

Tuy vậy, kiểm toán cũng nhấn mạnh, chủ trương di dời nhà máy và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tài sản trên khu đất này đã được sự chấp thuận của Bộ Xây dựng, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, nhưng tại thời điểm 31/12/2020, dự án nêu trên chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Được biết, Viglacera đang sở hữu 86,41% vốn điều lệ Kính Đáp Cầu và là đối tác quan trọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Viglacera cũng đang trong quá trình thoái vốn nhà nước, đồng nghĩa với khả năng tiếp tục rót thêm vốn vào công ty con là rất thấp.

Chưa rõ rồi đây, Kính Đáp Cầu sẽ giải bài toán kinh doanh, bài toán nợ vay ra sao? Chỉ biết, năm 2021, Công ty dự kiến tiếp tục lỗ, với số lỗ là 13 tỷ đồng.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục