Kịch bản nào giúp Gelex (GEX) thâu tóm Viglacera (VGC)?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gelex vừa công bố mua thêm 22,5 triệu cổ phiếu Viglacera để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% trong quý II/2021. Lúc này, Gelex chỉ còn hơn 3 tháng để tự lựa chọn kịch bản cho mình.
Viglacera đang là “ông trùm” bất động sản công nghiệp phía Bắc. Viglacera đang là “ông trùm” bất động sản công nghiệp phía Bắc.

Đẩy giá cổ phiếu để tiện mua gom?

Từ đầu năm tới nay, Tổng công ty cổ phần Viglacera (mã chứng khoán VGC - HOSE) liên tục thông báo lãnh đạo doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đăng ký bán cổ phiếu Công ty. Theo đó, ông Hoàng Kim Bồng, Phó tổng giám đốc đã bán bớt 50.000 cổ phiếu VGC trong thời gian từ ngày 14/1 đến ngày 12/2. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đăng ký bán toàn bộ 220.000 cổ phiếu VGC.

Bà Trần Thị Minh Loan, Giám đốc Ban Tài chính kế toán đã đăng ký bán toàn bộ 207.100 cổ phiếu VGC đang sở hữu. Ông Ngô Trọng Toán, Kế toán trưởng Viglacera công bố muốn bán hết 72.000 cổ phiếu VGC từ ngày 5/2 đến ngày 5/3.

Ông Luyện Công Minh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Viglacera cũng quyết định bán ra 409.100 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,11% về còn 0,02% vốn điều lệ từ ngày 8/2 đến ngày 8/3.

Gần đây nhất, ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc đăng ký bán hết 510.900 cổ phiếu đang nắm giữ từ ngày 5/3 đến ngày 2/4.

Hàng loạt lãnh đạo chủ chốt cùng lúc bán ra cổ phiếu không khỏi khiến giới đầu tư băn khoăn đặt câu hỏi điều gì đang diễn ra tại Viglacera. Trước câu hỏi này, một vị nguyên là thành viên Hội đồng quản trị Viglacera cho biết, so với mức cổ tức mỗi năm được nhận từ 11 - 12%, việc bán cổ phiếu ra trong thời điểm này là có lợi nhất cho cổ đông. Bởi vậy, vị này không thấy lạ khi cổ đông liên tục rao bán cổ phiếu.

Kể từ phiên giao dịch ngày 4/1 đến ngày 10/3, thị giá cổ phiếu VGC đã tăng 24,5%, từ 26.900 đồng/cổ phiếu lên 33.500 đồng/cổ phiếu. Phiên ngày 3/2, cổ phiếu VGC chạm mức cao nhất lịch sử với 38.250 đồng/cổ phiếu và phiên ngày 27/1 có gần 4 triệu cổ phiếu được giao dịch. Đến nay, sau nhiều phiên giảm liên tiếp, giá VGC vẫn quanh mức 33.000 - 35.000 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu tăng mạnh đúng thời điểm Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex - mã chứng khoán GEX: HOSE) gom mua cổ phiếu Viglacera để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.

Gelex đang thể hiện rất rõ tham vọng chạm đến con số 51% đã lỡ dở từ năm ngoái.

Nhìn vào cơ cấu doanh thu năm 2020 của Viglacera, bất động sản và xây dựng đóng góp 26,5% trong cơ cấu doanh thu, chỉ kém nhóm cao nhất là gạch ốp lát 1,1% trong tổng số 9.413 tỷ đồng.

Viglacera đang được xem là “ông trùm” phát triển hạ tầng khu công nghiệp phía Bắc, với việc sở hữu 10 khu công nghiệp nằm ở các vị trí vàng như Tiên Sơn, Yên Phong, Yên Phong mở rộng (Bắc Ninh); Hải Yên, Đông Mai (Quảng Ninh); Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), Tiền Hải (Thái Bình), Phú Hà (Phú Thọ)… với tổng diện tích là 2.520 ha.

Việc đầu tư vào Viglacera là chiến lược đã có tính toán từ trước của Gelex. Bởi lẽ, lĩnh vực bất động sản của Gelex cũng được cho là rất tiềm năng, nhờ quỹ đất lớn với vị trí đắc địa tại thủ đô Hà Nội, tuy nhiên phát triển hạ tầng khu công nghiệp lại chưa “có đất dụng võ”.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Viglacera, bà Đỗ Thị Lan Phương – Thành viên Hội đồng quản trị cho biết, Viglacera hiện đang hoạt động mạnh khu vực phía Bắc nhưng lại chưa làm khu công nghiệp phía Nam. Bởi vậy, Gelex sẽ đi phát triển các khu công nghiệp ở phía Nam, hỗ trợ về quỹ đất, còn Viglacera sẽ là nhà phát triển, bán và cho thuê sản phẩm.

Ba kịch bản để Gelex thâu tóm Viglacera

Trong năm 2020, Gelex đã 2 lần tăng giá chào mua công khai cổ phiếu VGC. Lần thứ nhất tăng từ 17.700 đồng/cổ phiếu lên 21.500 đồng/cổ phiếu, lần thứ hai tiếp tục tăng từ 23.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 9,3% so với lần tăng giá chào mua đầu tiên.

Sau khi hoàn tất các đợt chào mua này, hai công ty họ nhà Gelex đã gom được 206,54 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 46,07%. Trong đó, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam chiếm 26,64%, Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex chiếm 19,43%.

Mới đây, Gelex lại tiếp tục thông qua phương án mua thêm cổ phiếu VGC, tiến tới chi phối Viglacera. Theo đó, Gelex đăng ký mua 22,5 triệu cổ phiếu VGC từ ngày 8/3 đến ngày 6/4/2021 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh nhằm nâng tỷ lệ sở hữu.

Gelex đang thể hiện rất rõ tham vọng chạm đến con số 51% đã lỡ dở từ năm ngoái. Phía Tổng công ty cũng khẳng định sẽ hợp nhất Viglacera trong quý II/2021. Trước tình hình chỉ còn hơn 3 tháng nữa sẽ kết thúc quý II, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng giám đốc Gelex và cộng sự chỉ còn 3 kịch bản để thu về gần 5% cổ phần của Viglacera.

Kịch bản thứ nhất, Gelex gom mua cổ phiếu trên thị trường từ các nhà đầu tư cá nhân hoặc xúc tiến đàm phán với các cổ đông của Viglacera.

Gelex có thể phải tiếp tục tăng giá để mua được lượng cổ phiếu cần thiết. Song, phương án này chưa thể chắc chắn giúp Gelex gom đủ 22,5 triệu cổ phiếu khi số lượng cổ phiếu của các cổ đông cá nhân không còn dồi dào.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VGC được cho là sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới để kích thích lực bán từ những người đang nắm giữ.

Kịch bản thứ hai, mua cổ phiếu từ các quỹ đầu tư trên thị trường. Vị cựu thành viên Hội đồng quản trị Viglacera đã cho biết, tình trạng ép giá cổ phiếu VGC từ các quỹ đã xảy ra từ năm ngoái khi Gelex tỏ rõ thái độ muốn nhanh chóng thâu tóm Viglacera.

Đây là cách nhanh nhất giúp Gelex có thể hợp nhất Viglacera trong quý II/2021, bởi các quỹ đang nắm số lượng lớn cổ phiếu VGC mà Gelex khao khát sở hữu. Song, có vẻ phía Gelex vẫn đang tìm một lối đi khác có lợi hơn, có thể sẽ chỉ mua một phần cổ phiếu còn thiếu từ các quỹ sau khi đã gom từ thị trường.

Kịch bản thứ ba, Gelex sẽ hoàn tất mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu Viglacera lên 51% khi Bộ Xây dựng tiến hành thoái vốn. Tuy nhiên, nếu đợi đến thời điểm này, Gelex không thể hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.

Tại đại hội cổ đông bất thường cuối năm 2020 của Gelex, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: “Với Gelex, chúng tôi không rót vốn cho những khoản đầu tư bị đắt và vượt quá giá trị doanh nghiệp. Nếu Bộ Xây dựng thoái vốn ở mức giá phù hợp thì chúng tôi sẽ quyết định đầu tư, còn không thì chúng tôi sẽ tìm kiếm những đối tác khác cùng tham gia với chúng tôi để quản trị”.

Tuy nhiên, đó là lời khẳng định khi có thông tin cho rằng Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn vào năm 2021. Còn hiện tại, Bộ sẽ tiếp tục quản lý phần vốn Nhà nước tại VGC theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Việc thoái vốn sẽ thực hiện và hoàn thành trong năm 2022.

Như vậy, để biến Viglacera thành công ty con của mình, Gelex buộc phải gom đủ cổ phiếu trên thị trường hoặc mua lại cổ phiếu với giá cao từ các quỹ đầu tư.

Để biến Viglacera thành công ty con của mình, Gelex buộc phải gom đủ cổ phiếu trên thị trường hoặc mua lại cổ phiếu với giá cao từ các quỹ đầu tư.

Vào ngày 26/11/2020, Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tài sản bảo đảm là 66 triệu cổ phần Viglacera thuộc sở hữu của Tổng công ty.

Đây có thể coi là một cuộc sắp xếp tài chính quan trọng và chuẩn bị cho chiến lược thu mua cổ phiếu diện rộng của Gelex. Tuy nhiên, động thái này cũng phần nào cho thấy tình hình tài chính của Công ty không thực sự khỏe mạnh.

Nhìn lại năm 2020, doanh thu thuần của Gelex đạt 17.949 tỷ đồng, tăng 17,2%, lợi nhuận sau thuế đạt 965,8 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2019. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả là 18.939 tỷ đồng, chiếm gần 70% khối tài sản 27.121 tỷ đồng của Công ty.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn là 12.083 tỷ đồng, gấp 1,4 lần số liệu ghi nhận hồi đầu năm. Sử dụng đòn bẩy tài chính dẫn tới chi phí lãi vay tăng mạnh và giảm lợi nhuận của Gelex.

Bài toán nâng tỷ lệ sở hữu của Gelex chưa rõ có thể hoàn thành đúng kế hoạch hay không? Tuy nhiên, ông Tuấn đã tuyên bố trước các cổ đông Gelex rằng “Công ty cũng đang có những phương án khác, không cứ phải nắm giữ đủ 51% mới hợp nhất được Viglacera, chỉ cần chi phối Hội đồng quản trị Viglacera cũng có thể hợp nhất”.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục