Kiều hối vẫn khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao, song dòng kiều hối về Việt Nam tính đến cuối năm 2022 vẫn ổn định.
Lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng 10 - 15% so với các tháng trong năm Lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng 10 - 15% so với các tháng trong năm

Kiều hối về TP.HCM giảm nhẹ, nhưng cả nước được dự báo tăng

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, năm 2022 lượng kiều hối chuyển về TP.HCM ước đạt 6,8 tỷ USD, giảm 0,3 tỷ USD so với năm 2021.

Theo ông Lệnh, trong bối cảnh kinh tế của một số quốc gia và khu vực trên thế giới gặp nhiều khó khăn do lạm phát, đồng tiền mất giá, thu nhập của người dân, người lao động bị ảnh hưởng, thì kiều hối chuyển về trong năm 2022 vẫn khả quan tiếp tục có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng.

Báo cáo về di trú và phát triển do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện nhận xét, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm vừa qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn ổn định.

Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối năm 2021 khi lập kỷ lục 18,1 tỷ USD (cao hơn con số 12,5 tỷ USD do Ngân hàng Nhà nước công bố). Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối đã vượt qua mức 10 tỷ USD và tăng gần gấp đôi.

Sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021, tổng lượng kiều hối về Việt Nam dự báo tăng 4,4% trong năm 2022 và tăng 3,6 - 4,5% trong năm 2023.

Công ty Kiều hối Đông Á cho biết, nửa đầu năm 2022, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam bị ảnh hưởng do bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Nhưng tình hình đã cải thiện tích cực vào nửa cuối năm nên tính chung cả năm 2022, lượng kiều hối vẫn khả quan.

Công ty Kiều hối Sacombank (SBR) cho hay, năm 2022, ước tính có hơn 2 tỷ USD kiều hối đổ về qua kênh Sacombank và SBR.

Kiều hối là nguồn lực quan trọng, “nguồn lực vàng” đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết Nguyên đán thường tăng 10 - 15% so với các tháng trong năm. Năm nay, do Tết đến sớm, gần với Noel và Tết Dương lịch, nên kiều bào sẽ tập trung gửi tiền về dịp cuối năm cho người thân ăn Tết và mừng tuổi.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, Nhà nước cần tạo ra sự đột phá về chính sách đối với Việt kiều và kiều hối. Theo đó, Luật Nhà ở nên cởi mở để Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn, tạo điều kiện giao lưu, gắn bó với quê hương. Ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư, trong thời gian tới, các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp.

Với bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của kiều bào, của người lao động ở nước ngoài chuyển về có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Nếu xem đây là nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, thì kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác, đó là không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay.

Góp phần bảo đảm cung - cầu ngoại tệ

Hiện nay, một xu hướng đáng chú ý là nhiều người nhận kiều hối sẽ bán ra lấy VND gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao, hoặc lấy vốn kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cuối năm, hoặc mua sắm, chi tiêu. Do đó, nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp tỷ giá USD/VND ổn định, thậm chí giảm dịp cuối năm.

Thực tế cũng cho thấy, đây là nguồn thu bằng ngoại tệ, vì vậy, giá trị mang lại từ nguồn kiều hối là rất lớn, trở thành “nguồn lực vàng” cần tiếp tục khuyến khích, thu hút và phát huy hiệu quả từ nguồn lực này.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay, nguồn kiều hối là nguồn thu ngoại tệ từ kiều bào, từ người lao động gửi về, vì vậy trước hết phục vụ cho nhu cầu của người nhận kiều hối, có thể là tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân, xây dựng, sửa sang nhà cửa hay mở rộng các hoạt động sản xuất - kinh doanh... Tất cả đều mang lại ý nghĩa cho sự tăng trưởng và phát triển trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Với ý nghĩa này, nếu so với nguồn thu ngân sách TP.HCM (ước tính năm 2022 đạt trên 434.000 tỷ đồng), nguồn kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 2022 khoảng 6,8 tỷ USD (xấp xỉ 160.000 tỷ đồng) là nguồn thu không nhỏ, mang lại hiệu ứng tích cực. Nếu so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM thì nguồn kiều hối chuyển về năm 2022 chiếm 48%. Đây cũng là con số ý nghĩa và là nguồn vốn không nhỏ.

“Nguồn kiều hối chuyển về năm 2022 là nguồn thu ngoại tệ, góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của ngân hàng trung ương, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lãi suất tăng là không nhỏ - khi áp lực lạm phát gia tăng và đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022”, ông Lệnh nói.

Ông Michal Rutkowski, Giám đốc toàn cầu về bảo trợ xã hội và việc làm tại Ngân hàng Thế giới nhận xét, những người di cư giúp xoa dịu các thị trường lao động đang thắt chặt ở các nước sở tại, trong khi hỗ trợ gia đình của chính họ thông qua kiều hối. Các chính sách bảo trợ xã hội toàn diện đã giúp người lao động vượt qua những khó khăn về thu nhập và việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các chính sách như vậy cũng có tác động toàn cầu thông qua kiều hối và chúng cần phải được tiếp tục thực hiện.

Để chuẩn bị cho mùa cao điểm kiều hối cuối năm, các ngân hàng, công ty kiều hối đã và đang đẩy mạnh đầu tư về công nghệ. Khi thân nhân chuyển tiền từ nước ngoài, ngay lập tức tiền sẽ vào tài khoản cá nhân trong nước, hoặc chỉ một vài phút để có thể nhận tiền tại quầy. Việc chi trả tại nhà của người nhận cũng được thực hiện trong ngày. Nhiều ngân hàng, công ty kiều hối hiện đã phát triển hàng nghìn điểm, đại lý chi trả nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nhận. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai các chương trình khuyến mại hút kiều hối.

Theo các ngân hàng thương mại, để có lượng kiều hối “chảy” về Việt Nam ngày càng tăng trong dịp trước Tết Nguyên đán, các ngân hàng thương mại đã triển khai những chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài, như Vietbank, Sacombank…

Theo Ngân hàng Thế giới và KNOMAD, do ảnh hưởng của kinh tế suy giảm và lạm phát trên toàn cầu tăng cao, năm 2022, lượng kiều hối chuyển về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dự báo tăng 5%, lên 626 tỷ USD, thấp hơn mức tăng 10,2% ghi nhận trong năm 2021.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục