Do tác động của biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sống khiến gấu Bắc Cực đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Để quay phim, chụp ảnh được những khoảnh khắc hài hước, đáng yêu của loài động vật này, các nhiếp ảnh gia sẽ phải đi đến vùng cực Bắc địa cầu lạnh giá, khắc nghiệt.
Ngày nay, sự bùng nổ của Internet giúp chúng ta có thể dễ dàng chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp, hùng vĩ về động vật hoang dã từ bất kỳ chỗ nào chỉ với vận dụng duy nhất là một chiếc máy tính cá nhân hoặc đơn giản hơn là một chiếc smartphone.
Công nghệ giúp cuộc sống con người trở nên gắn kết, thuận tiện hơn trong việc tiếp xúc với nguồn tri thức, văn hóa vô hạn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, để có thể đem về những hình ảnh, thước phim vô giá, chân thật nhất về cuộc sống của các loài động vật quý hiếm, các nhiếp ảnh gia đã phải tốn rất nhiều công sức, kiên trì, lặn lội, đặt chân đến những vùng đất xa xôi, nguy hiểm nhất trên trái đất, sau đó còn phải tốn rất nhiều thời gian, "ăn lông ở lỗ" mới chộp được những khoảnh khắc đó.
Có thể nói, nếu không phải có trong người niềm đam mê to lớn, những nhiếp ảnh gia động vật hoang dã sẽ không bao giờ vượt qua được những rào cản, khó khăn của cái nghề đặc biệt này.
Nhiếp ảnh gia Brian Matthews, 42 tuổi đến từ nước Anh, người đã dành 20 năm tuổi xuân để theo đuổi đam mê, mới đây đã khiến người xem phải trầm trồ, thán phục trước tác phẩm miêu tả cuộc sống của một gia đình gấu Bắc Cực mới thức dậy sau thời gian ngủ đông.
Gấu mẹ đi theo chăm chút, bảo vệ đàn con từng tý một. Ảnh: Brian Matthews. |
Để thực hiện được tác phẩm của mình, Brian Matthews đã phải lặn lội đến Vườn quốc gia Wapsuck, nằm cách khoảng 50 km về phía Nam của thị trấn Churchill, Manitoba, Canada.
Theo lời kể của Matthews, để chộp được những khoảnh khắc đẹp nhất của gia đình gấu Bắc Cực, nhóm của anh đã phải dành ra 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày dưới điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt - 65 độ C với gió rít từng cơn làm cái lạnh thấu da thấu thịt.
Clip nguồn: Dailymail. |
Những con gấu vừa ra khỏi hang cũng không chịu ở yên một chỗ mà di chuyển thêm quãng đường gần 60 km để đến vịnh Hudson, địa điểm con gấu mẹ có thể đi săn và kiếm thức ăn về cho những con nhỏ sau 6 tháng ngủ đông.
Hiên ngang, che chở, là chỗ dựa vững chắc cho đàn con thơ. Ảnh: Brian Matthews. |
Do quãng thời gian nghỉ ngơi quá dài, do đó những con gấu con sẽ phải liên tục hoạt động để tăng cường thể lực cũng như giữ ấm cơ thể trước cái giá lạnh của thời tiết. Gấu mẹ thì khác, nó hầu như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, chỉ là phải chăm sóc những đứa trẻ khiến cơ thể bị mệt mỏi nên gấu mẹ ngủ gục trước máy quay của đoàn nhiếp ảnh, mặc kệ việc này có thể khiến nó bị tuyết cuốn trôi.
Ngủ mê mệt đến độ bị tuyết cuốn trôi. Gấu mẹ chăm sóc con "tốt" ghê... Ảnh: Brian Matthews. |
Tâm sự về công việc đã gắn bó, Matthews cho biết cơ duyên đến với mình từ chiếc máy ảnh du lịch mua từ năm 2001, sau đó vì quá đam mê, anh đã theo nghiệp nhiếp ảnh để có cơ hội gặp gỡ, chụp các loại động vật hoang dã và bảo tồn.
Trong suốt sự nghiệp cầm máy, nhiếp ảnh gia đã đặt chân đến trên dưới 50 nước, gặp gỡ vô số các loài động vật như hổ, báo, voi, chim cánh cụt và hàng nghìn loại chim chóc khác nhau.