Trong binh pháp Tôn Tử có viết “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”, đại ý để chỉ muốn giành được chiến thắng toàn diện trước đối thủ mạnh cần phải biết phân tích đối thủ và nhận biết tương quan lực lượng giữa hai bên. Giá như con tê giác trong câu chuyện dưới đây được học qua đạo lý đó, chắc sẽ không phải nhận cái kết ê mặt.
Tê giác và voi đều là những loài động vật ăn cỏ, tuy nhiên do thể hình to lớn cùng với tính tình "cục súc" của mình, chúng được xếp vào nhóm những con vật có thể hình khổng lồ và nguy hiểm bậc nhất ở châu Phi.
Với vị thế của mình trong tự nhiên, không có gì lạ khi cả 2 loài động vật này đều cực kỳ coi trọng lãnh thổ của mình. Nhiều cuộc quyết chiến giữa hai loài động vật to lớn này với những kẻ đen đủi xâm phạm đến lãnh thổ của chúng đã xảy ra.
Tuy nhiên, nếu như một trong hai loài to lớn này xâm phạm lãnh thổ của nhau thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đoạn clip được quay lại bởi những nhà động vật học tại vùng hoang mạc châu Phi sẽ cho chúng ta lời giải đáp.
Clip nguồn Latestsightings |
Có thể thấy, hai con voi châu Phi to lớn không biết cố tình hay hữu ý đã tiến vào vùng đất của một con tê giác. Nhìn vào hành động của con voi đi trước, có vẻ nó không hề có ác ý, thay vào đó con voi giống như đang tìm cách làm thân với chủ nhà bằng việc treo một chiếc cành cây gẫy lên mũi của mình rồi tiến lại gần, ngỏ ý rủ anh bạn tê giác chơi cùng.
Nhưng, với loài tê giác, hiếu khách chưa bao giờ có trong "từ điển" của loài động vật này. Có cân nặng từ 1.800 kg - 2.700 kg và cao 1,5 m - 1,8 m khi trưởng thành, cùng với lớp da dày bảo vệ xung quanh và chiếc sừng to lớn, tê giác chưa bao giờ phải ngán bất kỳ loài vật nào ở châu Phi.
Bị con tê giác lao vào tấn công, con voi bình tĩnh ném cành cây về phía nó, tỏ vẻ đe dọa. |
Bỏ mặc thiện chí của anh bạn voi, con tê giác hùng hổ lao vào định đánh phủ đầu những kẻ xâm phạm lãnh thổ.
Đáng tiếc, con tê giác đã gặp phải đối thủ quá tầm so với mình. Bực tức vì bị thiếu tôn trọng, con voi dùng vòi của mình hất tung cành cây về phía con tê giác. Đến lúc này, con vật hung hãn mới cảm thấy "chột dạ" và lủi ngay về phía sau một cách sợ hãi.
Theo tính toán của các nhà khoa học, một con voi châu Phi trưởng thành có trọng lượng lên đến 4 - 7 tấn, tức là sẽ lớn hơn khoảng 3 lần so với tê giác. Với tương quan trọng lượng có sự chênh lệch như thế, có lẽ tê giác nên biết thân biết phận mà cư xử cho phải phép hơn khi đối diện những con voi châu Phi!