Báo tuyết là loài động vật đặc biệt, có thể sinh tồn ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt nhất trên Trái đất. Bình thường, để bắt gặp hình ảnh một con báo tuyết trong tự nhiên đã vô cùng khó khăn huống chi còn phải hình dung xem tiếng kêu của nó sẽ như thế nào? Liệu nó có oai phong lẫm liệt như tiếng sư tử gầm, mang nặng sát khí như tiếng gầm gừ của một con hổ hay chỉ "the thé", chói tai như tiếng mèo kêu?
Giúp mọi người giải đáp những thắc mắc đó, mới đây tổ chức từ thiện động vật hoang dã Sư tử trắng của Anh đã đăng tải đoạn clip hiếm hoi quay cận cảnh sinh hoạt của một con báo tuyết tại vùng núi phía bắc Pakistan.
Để có được những thước phim chân thực, độc đáo nhất đến với độc giả, những chuyên gia đã phải đi đến địa danh rất xa xôi và kiên nhẫn bởi tập tính sinh hoạt đơn lẻ và khó nắm bắt của loài động vật này. Được biết, loài báo tuyết thường sinh sống ở độ cao từ 3.000 đến 4.500 m, do đó để có thể quan sát được hành vi của chúng là điều không hề dễ dàng.
John Knight, một trong những thành viên sáng lập tổ chức từ thiện miêu tả: "Con báo đực trưởng thành kêu lên những tiếng gọi như thế như một hình thức đánh dấu chủ quyền và cũng để thông báo đến những con báo đực khác trong khu vực biết đến sự hiện diện của nó".
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bởi vì dây thanh quản của báo tuyết bị thiếu mô sợi đàn hồi nên tiếng kêu của chúng tương đối nhỏ, giống như tiếng bị khàn.
Anh này còn hóm hỉnh cho rằng tiếng kêu của con báo tuyết nghe rất giống với "tiếng thét Wihelm" lừng danh trong các bộ phim của Hollywood. Đó là hiệu ứng âm thanh phim và truyền hình đầu tiên được dùng vào năm 1951. Hãng Warner Bros đã lưu trữ tiếng thét này trong thư viện hiệu ứng âm thanh và tiếng thét Wilhelm đã được sử dụng trong rất nhiều bộ phim nổi tiếng như Lord of the Rings, Star Wars, Indiana Jones cùng nhiều tác phẩm điện ảnh của Quentin Tarantino và Tim Burton.
Mục đích của đoạn clip, theo tổ chức Sư tử trắng giải thích nhằm giúp mọi người có thể nạp thêm kiến thức về loài báo tuyết quý hiếm, cách thức mà chúng dùng để giao tiếp với thế giới xung quanh để từ đó nâng cao ý thức bảo vệ loài động vật này hơn.
Phạm vi môi trường sinh sống của báo tuyết liên tục giảm mạnh do sự bành trướng của con người cùng với phạm vi chăn thả động vật nuôi ngày càng được mở rộng. Sự phát triển này khiến phạm vi sinh sống của báo tuyết ngày càng bị phân mảnh thành các vùng nhỏ. |
Số liệu từ tổ chức động vật hoang dã cho biết trên thế giới chỉ còn khoảng 4.000 - 7.500 cá thể báo tuyết. Chúng đã được xếp vào danh sách loài động vật dễ bị tổn thương trong sách Đỏ của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Ngoài tác động của biến đổi khí hậu, mối đe dọa lớn nhất của loài báo tuyết chính là những kẻ săn trộm và những người chăn nuôi gia súc.
Nhằm giám sát và bảo vệ loài báo tuyết, tổ chức Sư tử trắng đã hợp tác với tổ chức Bảo tồn và Phát triển động vật hoang dã Baltistan ở Pakistan. Liên minh này đã và đang làm việc với chính quyền địa phương để xây dựng các chuồng trại có thể bảo vệ động vật nuôi khỏi sự tấn công của loài báo, từ đó giảm thiểu xung đột giữa con người và loài động vật quý hiếm này.