Theo nội dung vụ việc, vào đầu năm 2011, Công ty TNHH Mậu dịch xuất nhập khẩu Tinh Ngân (Trung Quốc) ký hợp đồng với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tiên Phước (tỉnh Bình Định, Việt Nam) mua 2.000 tấn sắn khô, giá trị là 544.000 USD (khoảng hơn 10 tỷ đồng).
Công ty cổ phần Đầu tư Thiên Tân (chủ tàu Green Land, tỉnh Nam Định, Việt Nam) là bên vận chuyển số hàng trên từ Cảng Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) tới Cảng Khâm Châu (Trung Quốc). Hàng hóa đạt tiêu chuẩn theo giấy chứng nhận của Công ty cổ phần Giám định Lửa Việt.
Ngày 10/3/2011, tàu Green Land cập cảng và giao hàng cho bên mua. Khi tháo dỡ một nửa số hàng là 1.103 tấn thì Công ty Tinh Ngân phát hiện hầm tàu bị đọng nước. Công ty Tinh Ngân yêu cầu một bên khác kiểm tra chất lượng hàng hóa. Theo giấy chứng nhận kiểm định chất lượng thì số lượng sắn khô chưa bốc dỡ còn lại trên tàu chứa độ ẩm 27,33% (vượt mức quy định theo hợp đồng là 16%).
Trước tình hình hàng hóa không đảm bảo, Công ty Tinh Ngân làm việc với chủ tàu Green Land và yêu cầu bồi thường, nhưng không đạt kết quả. Ngay sau đó, ngày 28/4/2011, Công ty Tinh Ngân có đơn yêu cầu Tòa án Hải sự Bắc Hải (Trung Quốc) ra lệnh giữ tàu Green Land tại cảng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5/2011, tàu Green Land đã tự ý rời cảng, mang theo số lượng hàng hóa còn lại.
Vì vậy, Công ty Tinh Ngân đã khởi kiện chủ tàu là Công ty Thiên Tân ra Tòa án Hải sự Bắc Hải. Ngày 22/4/2013, Tòa án Hải sự Bắc Hải đưa vụ án ra xét xử và tuyên buộc Công ty Thiên Tân bồi thường tổn thất số tiền 1,6 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 4,8 tỷ đồng).
Sau đó, Công ty Tinh Ngân đề nghị Tòa án nhân dân Tỉnh Nam Định xem xét công nhận và cho thi hành bản án trên tại Việt Nam. Tại phiên họp xét đơn cuối năm 2016, Công ty Thiên Tân xuất trình vận đơn thể hiện mình không chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng hàng hóa. Công ty Thiên Tân không ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Công ty Tinh Ngân và Công ty Thiên Phước, mà ký với Chi nhánh Công ty cổ phần Vận tải dầu khí việt Nam tại Quy Nhơn. Thỏa thuận giao hàng theo niêm phong kẹp chì.
Công ty Tinh Ngân cho biết, bản án của Tòa án Hải sự Bắc Hải xác định trách nhiệm bồi thường của Công ty Thiên Tân là do hành vi tự ý bỏ trốn khỏi cảng Khâm Châu khi đã có lệnh giữ tàu. Việc bỏ trốn dẫn đến hàng hóa bị mất trong thời gian trách nhiệm của bên vận chuyển. Vận đơn chỉ miễn trừ trách nhiệm đối với số lượng, chất lượng hàng hóa mà không miễn trừ trách nhiệm khi hàng hóa đã mất sau khi mở niêm phong kẹp chì.
Quyết định của Tòa án nhân dân Tỉnh Nam Định nhận định: “Theo Điều 11 của hợp đồng ký kết, Công ty Tinh Ngân phải khởi kiện bên bán là Công ty Tiên Phước tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore. Tuy nhiên, Công ty Tinh Ngân lại khởi kiện Công ty Thiên Tân về tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa trên biển. Điều này không phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Mặt khác, theo Tòa án nhân dân Tỉnh Nam Định, việc Công ty Thiên Tân không được triệu tập hợp lệ, nên vắng mặt tại phiên tòa ngày 22/4/2013. Điều này vi phạm Khoản 3, Điều 439, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Do đó, Tòa án nhân dân Tỉnh Nam Định ra quyết định không chấp nhận đơn yêu cầu của Công ty Tinh Ngân.
Công ty Tinh Ngân tiếp tục kháng cáo lên Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Ngày 12/9/2017, sau khi xem xét, Hội đồng xét đơn đã giữ nguyên quyết định của Tòa án nhân dân Tỉnh Nam Định.
Khoản 3, Điều 439, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định những bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:
Người phải thi hành, hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên tòa của tòa án nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ, hoặc văn bản của tòa án nước ngoài không được tống đạt cho họ trong một thời hạn hợp lý theo quy định của pháp luật của nước có tòa án nước ngoài đó để họ thực hiện quyền tự bảo vệ.