Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo Kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.
Theo đó, kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam được chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 của giai đoạn thí điểm, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (HànQuốc), Đài Bắc (Đài Loan), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).
Đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, có số lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ này nhiều và có nhu cầu hồi hương cao.
Dự kiến các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam được phép tiếp nhận các đường bay này là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Trong giai đoạn 1 thí điểm, Bộ GTVT kiến nghị cho phép khai thác 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần); thời gian thực hiện là 2 tuần từ thời điểm áp dụng (dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12/2021).
Trong giai đoạn 2 thí điểm, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét mở rộng các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam tới các thị trường gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ), Kuala Lumpur (Malaysia), Hồng Công, Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Úc), Moscow (Nga).
Trong giai đoạn này, các thị trường được mở rộng hơn so với giai đoạn 1 thí điểm như Malaysia, Hồng Công, Pháp, Đức, Úc, Nga cũng là các đối tác hợp tác quan trọng với nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch với Việt Nam cũng như có số lượng lớn người lao động và du học sinh Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc.
Các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam tiếp nhận các chuyến bay trong giai đoạn 2 thí điểm là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh).
Tần suất khai thác được tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần); thời gian thực hiện trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1 (dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022).
Cũng trong thời gian thực hiện giai đoạn 2 thí điểm khôi phục các đường bay quốc tế, Bộ GTVT sẽ tổ chức tổng kết đánh giá để tham mưu việc khôi phục hoạt độngkhai thác quốc tế thường lệ như trước đây.
Để có thể triển khai kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét giao Bộ Y tế hướng dẫn và công bố điều kiện, thời điểm thực hiện miễn cách ly đối với người nhập cảnh Việt Nam; giao Bộ Ngoại giao chủ trì đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc-xin”, ưu tiên các nước và vùng lãnhthổ thực hiện trong 2 giai đoạn thí điểm nêu trên.
Bộ GTVT cũng kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao các Bộ: Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông sớm thống nhất và công bố phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với hoạt động đi lại bằng đường hàng không để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách, hoạt động của các doanh nghiệp hàng không cũng như công tác kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ giao Bộ GTVT chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hàng không tổ chứcthực hiện khôi phục lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách trên cơ sở hướng dẫn dỡ bỏ quy định cách ly y tế cũng như kết quả công nhận lẫn nhau “hộchiếu vắc-xin”, kịp thời tổng kết, đánh giá việc điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; làm việc với nhà chức trách hàng không các nước đối tác để thống nhất kế hoạch tổ chức các chuyến bay.