Kiến nghị áp dụng rộng rãi cơ chế gỡ khó các dự án đã có kết luận thanh tra

0:00 / 0:00
0:00
Hiện còn nhiều dự án gặp vướng mắc liên quan đến việc thực hiện kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra, các bản án do chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung báo cáo tại phiên họp. Ảnh: HL Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung báo cáo tại phiên họp. Ảnh: HL

Chính phủ kiến nghị được áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô

Sáng 18/4, Ủy ban Kinh tế và Tài chính họp phiên toàn thể lần thứ nhất, thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tình hình triển khai năm 2025.

Trình bày báo cáo này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nêu kết quả nổi bật những tháng đầu năm nay là công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo.

Riêng trong quý I/2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 74 nghị định, 77 nghị quyết, 714 quyết định và 11 chỉ thị, 25 công điện, đồng thời đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhiều rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế được tập trung tháo gỡ, xử lý để tạo nền tảng cho phát triển, nhất là liên quan đến ngân sách, đầu tư công, kinh tế tư nhân, trung tâm tài chính quốc tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Các tổ công tác, đoàn làm việc của Thủ tướng, thành viên Chính phủ được thành lập và làm việc với từng địa phương, từng dự án giao thông trọng điểm để tháo gỡ, đôn đốc tiến độ thực hiện. Vai trò của Ban chỉ đạo 1568 (nay là Ban chỉ đạo 751) tiếp tục được phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, bảo đảm tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm.

Kết quả tiếp theo được Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề cập là tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực, chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm trong năm 2025. Chính phủ đã trình Quốc hội quyết nghị chủ trương đầu tư và cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai các dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận… Nhiều công trình giao thông quan trọng, dự án quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành; dự kiến đưa vào khai thác như Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vào ngày 30/4/2025.

Tiến độ triển khai quy hoạch được đẩy nhanh; liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng tiếp tục được thúc đẩy. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương, Thứ trưởng báo cáo.

Ngoài ra, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon; chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; tích cực xây dựng tiêu chí môi trường, xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Bên cạnh kết quả, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng nêu một số khó khăn, hạn chế như tăng trưởng GDP quý I vẫn thấp hơn kịch bản theo Kết luận số 123-KL/TW (7,7%) do thế giới biến động rất phức tạp, khó lường, trong khi thời gian thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên chưa nhiều, đồng thời triển khai các nhiệm vụ quan trọng, phức tạp về sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Các động lực tăng trưởng nguy cơ bị suy yếu; nguồn lực tài nguyên, khoáng sản chưa được khai thác hiệu quả.

Thời gian tới, Chính phủ xác định tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động phương án ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống mới có thể phát sinh, đặc biệt là chính sách thuế của Mỹ và phản ứng của các nước lớn.

Khẩn trương nghiên cứu, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, theo sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực; giữ ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường.

Còn nhiều dự án có vướng mắc cần tháo gỡ

Tại báo cáo, Chính phủ dành riêng nội dung cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đó là, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng (Ban Chỉ đạo 751). Đến nay, Ban Chỉ đạo 751 đã rà soát, tổng hợp 2.212 dự án vướng mắc và đã giải quyết được một số dự án.

Tuy nhiên hiện còn nhiều dự án gặp vướng mắc liên quan đến việc thực hiện kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra, các bản án do chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng. Các địa phương còn tâm lý e ngại, chưa chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này cho các dự án, gây tồn đọng rất lớn nguồn lực về đất đai, vốn đầu tư cần được khẩn trương tháo gỡ, đưa vào khai thác nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 và hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Tại Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương cần có phương án và cơ chế chính sách, đặc thù để giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án và giao tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương lãnh đạo, chỉ đạo ban cán sự đảng ủy nhân dân tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng rà soát các dự án có khó khăn vướng mắc, tương tự như trong Đề án để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xử lý.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 170/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa . Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các địa phương làm căn cứ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, kinh doanh để các dự án tiếp tục được triển khai, đưa vào khai thác vận hành; vừa đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà nước, nhà đầu tư và các bên liên quan, vừa khắc phục được tình trạng lãng phí đất đai, vừa đảm bảo thu ngân sách nhà nước, hạn chế thất thoát.

Thực tế rà soát các dự án khó khăn, vướng mắc tại các địa phương cho thấy còn nhiều dự án có khó khăn, vướng mắc tương tự như các dự án đã được Quốc hội cho phép áp dụng chính sách đặc thù tại Nghị quyết 170/2024/QH15. Trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép áp dụng tương tự, sẽ giải quyết được rất lớn các dự án tồn tại khó khăn, vướng mắc hiện nay trên cả nước .

Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư có tính chất tương tự như các dự án quy định tại Nghị quyết 170/2024/QH15, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết nghị: Cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc; giao Chính phủ tổ chức, hướng dẫn và quyết định việc áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án theo Nghị quyết 170/2024/QH15.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục