Nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm
Là tỉnh có hệ sinh thái vùng miền đa dạng, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nguồn nguyên liệu phong phú, Kiên Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ cho tiêu dùng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Kiên Giang hiện có nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng, nông sản, thủy sản, thực phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống... nổi tiếng, có thương hiệu, được khách hàng trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Tiêu biểu như: nước mắm, hồ tiêu Phú Quốc, rượu sim Phú Quốc, khóm Tắc Cậu, mắm cá lưỡi trâu và mật ong U Minh Thượng, mắm cá lóc, khô cá sặc rằn U Minh Thượng, vọp U Minh Thượng, ghẹ lột Hòn Chông Kiên Lương, gạo 1 bụi trắng U Minh Thượng; ống hút, túi xách, giỏ xách cỏ bàng Phú Mỹ... Trong số này, có nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là nhãn hiệu thuộc sở hữu tập thể. Đặc biệt, nghề làm nước mắm Phú Quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với mục tiêu thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2019- 2020, định hướng 2025 và ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND triển khai thực hiện đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo kế hoạch này, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá, cấp giấy công nhận và phát triển ít nhất 120 sản phẩm mới và hiện có (bình quân 8 sản phẩm/huyện, thành phố/năm) đạt 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 5 sao cấp tỉnh. Xây dựng và triển khai các dự án khai thác thế mạnh nông nghiệp kết hợp với du lịch của tỉnh như nông sản, thuỷ sản và thủ công mỹ nghệ: 30 dự án (trung bình 2 dự án/huyện, thành phố/năm). Tổng kinh phí thực hiện năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 326.779 triệu đồng.
Ngày 9/12/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kiên Giang, đợt I năm 2021. Theo đó, công nhận 6 sản phẩm tiềm năng đạt hạng 5 sao; 12 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 36 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Cụ thể, sản phẩm tiềm năng đạt hạng 5 sao gồm: Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn 38 độ đạm, 40 độ đạm, 43 độ đạm của Công ty CP Thương mại Khải Hoàn (TP. Phú Quốc); nước mắm Thanh Quốc 35 độ đạm, 40 độ đạm, 43 độ đạm của Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh nước mắm Thanh Quốc (TP. Phú Quốc). Sản phẩm đạt hạng 4 sao gồm: tụng bàng, ba lô bàng, nón kết bàng... của Công ty TNHH Thảo Điền Phú Mỹ (huyện Giang Thành), rượu sim rừng Phú Quốc Hải Phong của Công ty CP Sim rừng Phú Quốc (TP. Phú Quốc)... Sản phẩm đạt hạng 3 sao gồm: khóm sấy, mứt khóm, kẹo khóm... của HTX Thiện Trung (huyện Gò Quao), tranh vỏ tràm, tranh nhen dừa, tranh bẹ chuối Miệt Thứ của hộ kinh doanh Miệt Thứ (huyện An Minh); mật ong nguyên chất của hộ kinh doanh Lê Tiên (huyện U Minh Thượng)...
UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công bố, công khai sản phẩm và trao Giấy chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thực hiện việc sử dụng, in, dán nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao lên bao bì sản phẩm được công nhận.
Trước đó, vào tháng 2/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định công nhận 18 sản phẩm của 11 chủ thể thuộc Chương trình OCOP tỉnh Kiên Giang năm 2020, trong đó có 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 08 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Về cơ cấu sản phẩm, có 9 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 5 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ - trang trí, 3 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống và 1 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược.
Có thể nói, các sản phẩm OCOP của tỉnh phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, được thị trường chấp nhận, qua đó, đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xúc tiến, quảng bá sản phẩm chủ lực
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho biết, trong thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm đã hỗ trợ nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp làm các thủ tục pháp lý để các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm hàng hóa truyền thống đặc thù địa phương có nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu độc quyền; hỗ trợ nhiều sản phẩm hàng hóa danh tiếng của tỉnh có chỉ dẫn xuất xứ địa lý, sản phẩm hàng hóa gắn với nghề, làng nghề truyền thống, nông sản, thủy sản chủ lực cấp huyện, cấp tỉnh để được tổ chức tiêu thụ tốt.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước các sản phẩm chủ lực của tỉnh với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế; các chương trình truyền thông, hội nghị, hội thảo, diễn đàn kết nối tiêu thụ; tổ chức các chương trình khảo sát, cập nhật thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP; vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh tại các cuộc hội chợ, triển lãm các tỉnh, thành phố cả nước để mở rộng thị trường, kết nối giao thương.
Trong năm 2021, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố giới thiệu khoảng 100 sản phẩm Kiên Giang có nhu cầu tiêu thụ, đồng thời phối hợp các siêu thị trong tỉnh như Siêu thị Co.opMart Rạch Giá, Co.opMart Rạch Sỏi... hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông - thủy sản của tỉnh, kết quả có khoảng 60 sản phẩm của 10 đơn vị trong tỉnh đã vào hệ thống siêu thị, như: Công ty CP Thương mại Khải Hoàn, Xí nghiệp Chế biến cá cơm Hòn Chông, HTX Nông dân khoai lang Mỹ Thái, HTX Nông sản hữu cơ Rạch Giá...
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giới thiệu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, Trung tâm đã tổ chức tham gia các sự kiện, hội chợ, triển lãm trong nước. Tại Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành năm 2021 tổ chức tại tỉnh An Giang, gian hàng của tỉnh Kiên Giang đã thu hút khoảng 100 ngàn lượt khách đến tham quan tìm hiểu thông tin sản phẩm; qua đó, có 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh có khả năng đưa vào hệ thống Siêu thị Tứ Sơn là: cá cơm sấy, các sản phẩm hồ tiêu, nước mắm Phú Quốc.
Trung tâm cũng đã phối hợp sở, ngành chức năng và địa phương rà soát, cập nhật sản phẩm thương mại OCOP, nhãn hiệu tập thể, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh... phục vụ cho hoạt động xúc tiến. Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Kiên Giang khảo sát các mô hình có nhu cầu trang thiết bị để hỗ trợ sản xuất tại các huyện Giồng Riềng, Gò Quao và Tân Hiệp; cùng đoàn công tác của Hội Phụ nữ tỉnh khảo sát 6 đơn vị với hơn 20 sản phẩm: nước mắm, bán đa, bánh tráng, bánh khóm, thủ công mỹ nghệ, rượu để có hướng kết nối tiêu thụ sản phẩm, như: kết nối với hệ thống siêu thị, tham gia các hội chợ triển lãm.
Trung tâm đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham dự 13 cuộc hội nghị, hội thảo trực tuyến do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức... nhằm giúp các doanh nghiệp kịp thời cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình thị trường, mở rộng cơ hội hợp tác, tăng cường kết nối tìm kiếm đầu ra tiêu thụ nông thuỷ sản,
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến “Hợp tác giữa Kiên Giang và bang Odisha trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản” do UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức, Trung tâm đã tổ chức Chương trình kết nối giao thương có sự tham gia của 7 doanh nghiệp, hợp tác xã nông, thủy sản Kiên Giang với các doanh nghiệp đối tác bang Odisha. Doanh nghiệp hai bên đã trao đổi về nhu cầu xuất nhập khẩu nguyên liệu thủy sản đông lạnh như tôm, cá, mực, bạch tuôc, tôm khô, các sản phẩm cá đóng hộp, hàng thủ công mỹ nghệ, gừng tươi, chuối, khóm...
Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu quảng bá, nhận đơn hàng trực tuyến thông qua trang thương mại điện tử của Trung tâm tại địa chỉ kiengiangpromotion.vn. Qua đó, đã có hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh lưu trú, lữ hành, thương mại tham gia với hơn 300 sản phẩm (gạo, khóm, tiêu, nước mắm, ngọc trai, cá khô...)
Theo bà Nguyễn Duy Linh Thảo, trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tổng hợp thông qua tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo, diễn đàn; tăng cường công tác nghiên cứu, nắm bắt thông tin, dự báo nhu cầu của thị trường nội địa, thị trường nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chủ lực mà tỉnh có nhiều tiềm năng thế mạnh như nông sản, thủy sản...
Bên cạnh việc công nhận các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, trong tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã có Quyết định công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kiên Giang lần thứ VI năm 2021. Theo đó, tỉnh đã công nhận và cấp giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kiên Giang lần VI năm 2021 với 143 sản phẩm, bộ sản phẩm.
Trong đó, nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ có 28 sản phẩm; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm có 99 sản phẩm; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí có 11 sản phẩm; nhóm sản phẩm khác có 5 sản phẩm (găng tay, vỏ lãi, xuồng...).