Kiên Giang bỏ quy chế phối hợp gây chồng chéo trong đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Bãi bỏ các quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư và các ban quản lý dự án của tỉnh sẽ giúp chủ đầu tư chủ động trong thực hiện dự án, góp phần giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư.
Kiên Giang bỏ quy chế phối hợp gây chồng chéo trong đầu tư công

Theo biên bản cuộc họp và đề nghị của các chủ đầu tư công (các sở ngành) trong tỉnh, vào ngày 29/7 vừa qua, Sở Xây dựng Kiên Giang có Tờ trình đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang bãi bỏ các quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư công và các Ban quản lý dự án của tỉnh đã và đang áp dụng gần 2 năm qua.

Trước đó, sau khi thành lập 3 Ban quản lý dự án (theo nhóm lĩnh vực) trực thuộc UBND tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh ra Quyết định ban hành quy chế phối hợp này và trong quá trình thực hiện cũng được chỉnh sửa vài lần, nhưng các chủ đầu tư công vẫn kêu khó, đặc biệt là chậm trễ thủ tục đầu tư.

Thực hiện các Thông tư và Nghị định liên quan của Chính phủ hướng dẫn về quản lý dự án đầu tư theo Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và xem xét Tờ trình của Sở Xây dựng, vào ngày 6/8/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký Quyết định số 1821/QĐ-UBND về việc bãi bỏ các Quyết định ban hành các quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư công với các Ban quàn lý dự án của tỉnh.

Theo đó, chủ đầu tư được phép ký hợp đồng ủy thác toàn bộ hay một phần việc của mình cho Ban quản lý dự án thực hiện (sau khi xin ý kiến của người ký quyết định đầu tư), hoặc không ủy quyền mà tự thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định pháp luật.

Theo nhiều lãnh đạo sở, ngành ở tỉnh Kiên Giang, công việc ban đầu của khâu lập dự án như xin chủ trương, lập thủ tục kế hoạch đầu tư cho đến đấu thầu và lựa chọn nhà thầu thi công hay mua sắm, đơn vị chủ đầu tư đủ khả năng thực hiện và chủ động triển khai nhanh chóng.

Còn phần việc tiếp theo là ký kết hợp đồng với nhà thầu, quản lý thi công, mua sắm và điều hành dự án đến khi nghiệm thu là của Ban quản lý dự án theo quy định pháp luật, không bị chồng chéo như vừa qua.

Cụ thể, theo Quy chế phối hợp vừa qua thì Ban quản lý dự án làm thủ tục đầu tư từ ban đầu cho đến kết thúc dự án, chủ đầu tư chỉ tham gia với tư thế bị động. Trong khi đó, các hồ sơ thủ tục ban đầu dự án của nhiều Sở ngành phải quay nhiều vòng giữa chủ đầu tư và Ban quản lý dự án thì mới được trình lên cấp trên phê duyệt. Trong khi tất cả hồ sơ của các sở ngành đều dồn vào "cửa" Ban quản lý dự án, dẫn đến quá tải và chậm trễ là không tránh khỏi.

Theo Quyết định mới này, các dự án đã và đang triển khai gói thầu thì vẫn tiếp tục thực hiện theo quy chế phối hợp cũ. Riêng các dự án mới, chưa đấu thầu thì phải thực hiện theo Quyết định mới này, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và giải ngân nhanh có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công ở tỉnh Kiên Giang.

Huy Thịnh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục