Kiên định đối ngoại đa phương trước những “cơn gió ngược”

Trước những “cơn gió ngược” từ trào lưu bảo hộ thương mại, sự cọ xát giữa xu hướng đơn phương và đa phương, đối ngoại Việt Nam vẫn kiên định triết lý đã lựa chọn, trong đó đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Quỹ Tiền tệ quốc tế tại APEC 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Quỹ Tiền tệ quốc tế tại APEC 2018.

Những “cơn gió ngược”

“Trước đây khi nói tới hợp tác quốc tế, chúng ta luôn nói tới ‘xu thế toàn cầu hóa’, ‘hội nhập quốc tế’, ‘tự do hóa thương mại’, ‘đồng thuận Washington’. Nhưng giờ cụm từ cửa miệng lại là ‘chủ nghĩa bảo hộ’, ‘cọ xát giữa xu hướng đơn cực và đa cực’”, nhà ngoại giao kỳ cựu, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói.

Năm 2018, bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt. Quan hệ giữa nhiều nước gặp khó khăn, thậm chí có lúc rơi vào khủng hoảng. Đi liền với đó là những va đập giữa chủ nghĩa bảo hộ với toàn cầu hóa, giữa hành động đơn phương với chủ nghĩa đa phương…

“Sau Hội nghị G20, chúng ta lần đầu tiên thấy khái niệm ‘hoãn binh kinh tế’. Chắc chắn trong những năm tới, thế giới chứng kiến hiện tượng này phổ biến hơn, lúc căng, lúc dịu. Nó không chỉ liên quan tới kinh tế thương mại, mà còn tới chính trị, an ninh, cuộc cạnh tranh một vị thế mới trên thế giới, không dễ gì thay đổi”, ông Vũ Khoan nói.

Ông dự báo, rất có khả năng trật tự kinh tế cũ không mất hẳn, nhưng cục diện kinh tế mới cũng chưa thể thắng thế hoàn toàn. Chúng sẽ “trộn với nhau”, nghĩa là vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, vừa đơn phương, vừa đa phương, không biết ai thắng, ai thua.

Câu hỏi đặt ra là, hiện tượng trên ngẫu nhiên hay theo quy luật, nhanh chóng mất đi hay kéo dài? Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có kéo dài không, có giải pháp không, mức độ giải pháp thế nào? Sự cọ xát giữa chủ nghĩa đơn phương và đa phương bộc lộ ngày càng nhiều, có thể thấy rõ ở Papua New Guinea (Hội nghị Cấp cao APEC 2018 - PV). Đây là ngẫu nhiên hay theo chiều hướng, nó sẽ đi đến đâu?

Đó là những câu hỏi mà ông Vũ Khoan đặt ra trong bối cảnh hiện nay và bỏ ngỏ câu trả lời. Nhưng có một điều ông khẳng định, đó là những diễn biến này sẽ tác động không nhỏ đến thế giới, trong đó có Việt Nam.

Lối mở ra thế giới

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng hoài nghi về những lợi ích mà chủ nghĩa đa phương đem lại, thì với riêng Việt Nam, đối ngoại đa phương đã đem lại những thành tựu to lớn trong hội nhập và phát triển kinh tế.

Nhìn lại sự kiện đánh dấu 20 năm Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đánh giá, vị thế của Việt Nam đã thay đổi theo hướng tích cực, từ bị cô lập đến hội nhập khu vực và liên khu vực. “Tuy không cân đong đo đếm được, nhưng có ý nghĩa quan trọng”, ông nói.

Với 21 nền kinh tế thành viên chiếm 39% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu, APEC chiếm hơn 70% thương mại và đầu tư của Việt Nam, hỗ trợ mạnh cho đổi mới tại Việt Nam.

“Thể chế kinh tế của APEC theo hướng tự do hóa, liên thông với thể chế kinh tế ở Việt Nam. Do đó, việc tham gia APEC thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam. Thông qua APEC, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tập dượt ở sân chơi lớn”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhận định.

Trong bài viết đầu năm 2019, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định, nối đà thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, trong năm 2018, đối ngoại đa phương tiếp tục gặt hái nhiều thành công rực rỡ, trở thành điểm sáng nổi bật của ngoại giao Việt Nam năm 2018.

Có bạn quốc tế nói với tôi, có lẽ đã đến lúc các nước Đông Nam Á chọn đứng về bên nào. 
Tôi có trả lời, tôi nghĩ các nước chúng ta không phải chọn đứng về ai, mà chọn đứng về lợi ích nào. Tôi là công dân, nhưng cảm giác rằng, Việt Nam nên chọn hòa bình, hợp tác và thông qua thương lượng để có hòa bình, hợp tác. Đã đa dạng hóa, đa phương hóa thì càng phải đa dạng hóa, đa phương hóa hơn nữa

- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan   

Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26, Hội nghị Thượng đỉnh tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10... Đặc biệt, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) do Việt Nam tổ chức tháng 9/2018 tại Hà Nội được đánh giá là thành công nhất trong lịch sử 27 năm qua của diễn đàn này.

“Các sự kiện đa phương tầm vóc nói trên đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Thành công của những sự kiện đó cho thấy vai trò, vị thế và uy tín của đất nước ta đã tăng đáng kể, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao, với nỗ lực của các thành viên, ASEAN vẫn duy trì được đoàn kết, vững bước trong tiến trình xây dựng cộng đồng và khẳng định được vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình. Trước những xáo trộn bởi chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại, liên kết kinh tế quốc tế, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn được thúc đẩy.

“Nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải”

Trong bài viết đầu năm 2019, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra một nhận định quan trọng: “Giữa những con gió ngược từ trào lưu bảo hộ thương mại, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng tiến ra biển lớn”.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, giữa trào lưu bảo hộ thương mại, Việt Nam đã cùng 10 quốc gia thành viên khác ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là một trong 7 nước phê chuẩn hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên trên thế giới.

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang hoàn tất các bước kỹ thuật cuối cùng để ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Những hiệp định này khẳng định vai trò của Việt Nam là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng.

Có được điều đó là nhờ ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã coi đối ngoại đa phương là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Ông Vũ Khoan có một cách lý giải đơn giản hơn, đó là triết lý đối ngoại “coi mình là một phần của thế giới” của Việt Nam.

Khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư đề nghị Liên hợp quốc công nhận nền độc lập của Việt Nam và tiếp nhận Việt Nam là một thành viên của Liên hợp quốc. “Trong bức thư ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, Việt Nam sẵn sàng thi hành chính sách mở cửa, sẵn sàng gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. Đó là triết lý cơ bản của ngoại giao Việt Nam”, ông Khoan nói.

Một triết lý nữa được ông Vũ Khoan phân tích, đó là triết lý “tiến từng bước”: bước thứ nhất là gia nhập ASEAN năm 1995, thứ hai là APEC năm 1998 - tức là liên khu vực, thứ ba là WTO năm 2006 - là hội nhập thế giới.

Theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, cuối những năm 90 của thế kỷ trước là thời điểm Việt Nam tiến hành Đổi mới đã được hơn 10 năm. Trước khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1997, tăng trưởng của Việt Nam ở mức cao, bình quân 8%, thị trường trong nước tuy dân số đông nhưng thu nhập thấp.

“Không có thị trường, thì không phát triển được, nên chủ trương lúc bấy giờ là tìm mọi cách mở rộng thị trường”, ông Vũ Khoan nhắc lại.

Tuy nhiên, song song với việc tham gia và nhận được lợi ích từ các cơ chế đa phương, Việt Nam cũng thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong mỗi cơ chế hợp tác. Theo ông Vũ Khoan, nhìn lại lịch sử Việt Nam sẽ thấy, năm 1996, lần đầu tiên Việt Nam dùng từ “hội nhập quốc tế”.

Sau khi gia nhập APEC, cụm từ này được bổ sung thành “tích cực chủ động hội nhập quốc tế”. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam tiến thêm một bước khẳng định là thành viên tích cực, xây dựng với các tổ chức quốc tế.

Trong năm 2018, đối ngoại đa phương tiếp tục có bước phát triển mới, với việc ngày 8/8/2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Trong đó, Chỉ thị nhấn mạnh, Việt Nam phấn đấu dần đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” trong các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.

Đây là cột mốc quan trọng về tư duy đối ngoại và thể chế hóa chủ trương của Đại hội Đảng XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó nêu rõ, công tác đối ngoại đa phương không chỉ phải chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia”, nhất là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và luật lệ mới.

“Có bạn quốc tế nói với tôi, có lẽ đã đến lúc các nước Đông Nam Á chọn đứng về bên nào. Tôi có trả lời, tôi nghĩ các nước chúng ta không phải chọn đứng về ai, mà chọn đứng về lợi ích nào. Tôi là công dân, nhưng cảm giác rằng, Việt Nam nên chọn hòa bình, hợp tác và thông qua thương lượng để có hòa bình, hợp tác. Đã đa dạng hóa, đa phương hóa thì càng phải đa dạng hóa, đa phương hóa hơn nữa”, ông Vũ Khoan khẳng định.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục