Câu chuyện bắt nguồn từ việc anh N.C.R (sinh năm 1980, ngụ tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi đang đổi 100 USD tại một cơ sở kinh doanh nữ trang ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Tiếp sau đó, UBND TP. Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh N.C.R số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”; xử phạt cơ sở thu mua 100 USD của anh N.C.R số tiền 180 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng tịch thu tang vật là 100 USD cùng số tiền 2.260.000 đồng (được quy đổi từ 100 USD của anh N.C.R)...
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico nêu quan điểm: “Vụ việc xử phạt hành chính kể trên của UBND TP. Cần Thơ cho thấy, có nhiều bất cập trong quản lý ngoại hối. Về căn cứ xử phạt, tôi cho rằng có cơ sở pháp lý, nhưng nhìn chung, việc xử phạt như vậy hoàn toàn bất hợp lý”.
Ông Hải phân tích, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 đã quy định nghiêm cấm mọi giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam được niêm yết giá cả hoặc thanh toán bằng ngoại tệ, nếu không được phép của Ngân hàng Nhà nước.
Điều này có nghĩa ngoại trừ các trường hợp được phép của Ngân hàng Nhà nước, mọi giao dịch mua bán ngoại tệ, thanh toán hay niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ đều bị cấm.
Bên cạnh đó, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đưa ra mức phạt khá nặng cho sai phạm về ngoại hối. Mức phạt cao nhất lên đến 600 triệu đồng, trong đó hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng.
“Như vậy, việc xử phạt 90 triệu đồng đối với anh N.C.R về mặt pháp luật là có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, theo tôi, câu chuyện này hoàn toàn bất hợp lý, thậm chí hài hước”.
Ông Hải cho rằng, việc người dân, doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ để thanh toán, niêm yết giá trong các giao dịch hiện diễn ra tràn lan.
Thực tế, không khó để có thể bắt gặp việc doanh nghiệp công khai niêm yết giá cả của sản phẩm bằng ngoại tệ tại các tỉnh thành, nhất là tại các khu du lịch đông du khách nước ngoài. Các sai phạm công khai này hầu như không được xử lý, dẫn tới việc khách nước ngoài đến Việt Nam sử dụng ngoại tệ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, ông Hải cho biết, một tồn tại lớn đối với quản lý ngoại hối là cách xét xử các vụ án có liên quan tới lĩnh vực này của ngành toà án.
Cụ thể, nhiều vụ án qua tay các quan tòa cho thấy, quy định về hạn chế giao dịch bằng ngoại tệ đã bị phá vỡ rất nhiều. Chẳng hạn, năm 2003, giới Tòa án có ra Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán quy định nếu các bên thỏa thuận giá cả, hàng hóa bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng đồng Việt Nam thì vẫn không vô hiệu.
“Hướng dẫn này là tréo ngoe so với quy định của pháp lệnh ngoại hối”, ông Hải nói và cho biết, thực tiễn đến ngày nay, giới tòa án vẫn theo nghị quyết này để xử lý hàng loạt các giao dịch có vi phạm lớn trong việc niêm yết, thanh toán bằng ngoại tệ, dù nghị quyết này đã không còn hiệu lực áp dụng.
Từ những trường hợp đó, so sánh với việc xử phạt vì đổi 100 USD trái phép, có thể thấy được sự không tương xứng. Bởi xử phạt vi phạm hành chính suy cho cùng có hai mục đích là áp chế tài giáo dục người vi phạm và ngăn ngừa chung mang giá trị cảnh báo cho cộng đồng.
“Với thực trạng “con voi chui lọt, con kiến không qua” hiện nay, tôi cho rằng, việc xử phạt hành chính không đạt được cả hai mục đích trên”, ông Hải nhấn mạnh.
Cơ sở pháp lý trong việc mua bán ngoại tệ
Việc mua, bán ngoại tệ căn cứ trên Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005.
Thông tư số 20/2011 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) quy định về việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép quy định địa điểm mua, bán ngoại tệ.
Nghị định 89/2016/NĐ-CP cũng quy định về điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ; hoạt động cung ứng dịch vụ nhận, chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế; quy định Điều kiện để tổ chức kinh tế được NHNN xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ.