Kiện Binance: Con kiến kiện củ khoai!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sẽ hết sức tốn kém nếu nhà đầu tư tiến hành thủ tục kiện sàn giao dịch tiền điện tử Binance để buộc nền tảng giao dịch này phải đền bù thiệt hại cho mình khi sàn này bị sập hôm 19/5.
Kiện Binance: Con kiến kiện củ khoai!

Anand Singhal có một khoản tích lũy khoảng 50.000 USD mà anh tiết kiệm được từ khi làm nghề coding trên chiếc giường ngủ của mình ở New Delhi từ hồi 13 tuổi. Đây là khoản tiết kiệm mà anh dự kiến dùng để thực hiện ước mơ của mình là học một khóa cao học về khoa học máy tính tại Mỹ. Thế nhưng khoản tiền này đã biến mất chỉ trong vòng 7 phút hôm 19/5.

Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, tạm ngưng hoạt động trong vòng hơn 1 giờ do giá đồng bitcoin và các đồng tiền điện tử khác rớt giá mạnh. Singhal và những người khác đã vay ký quỹ và đặt cược vào việc lên giá của tiền điện tử, vì thế mà tài khoản của họ bị khóa.

Khi mức lỗ quá nặng, sàn giao dịch giữ lại khoản cầm cố cho khoản vay margin của Singhal và sau đó bán ra để thu hồi nợ. Singhal đã mất 50.000 USD cộng với một khoản 24.000 USD trước đó.

Người dùng Binance trên khắp thế giới đã cố gắng lấy số tiền còn lại của mình. Thế nhưng không giống với các nền tảng đầu tư truyền thống, Binance hầu như không bị quản lý bởi một khung khổ luật pháp nào, nó cũng không có hội sở, vì thế rất khó để nhà đầu tư gửi đơn khiếu nại tới sàn giao dịch này.

Singhal đã tham gia một nhóm khoảng 700 nhà đầu tư để làm việc với một luật sư ở Pháp nhằm lấy lại khoản thiệt hại của mình. Một nhóm nhà đầu tư khác ở Italia cũng đang khiếu nại Binance. Các luật sư đại diện nhóm nhà đầu tư ở Italia đã gửi thư tới 11 địa chỉ của Finance mà họ có thể tìm thấy ở châu Ấu, đồng thời gửi một email tới bộ phận trợ giúp.

Một người phát ngôn của Binance cho biết những biến động dữ dội của thị trường tiền điện tử trong ngày 19/5 có thể gây ra sự cố nghẽn hệ thống kỹ thuật đối với Finance và các sàn giao dịch khác.

“Chúng tôi đã ngay lập tức tiến hành liên lạc với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi sự cố sập sàn này và đã tiến hành đền bù”, người này nói và cho biết “chúng tôi rất vui vì có thể liên lạc được với những khách hàng của chúng tôi, những người bị ảnh hưởng bởi sự cố sập sàn”.

Trong một lá thư ngỏ ngày 7/7, Changpeng Zhao, sáng lập viên của Binance, cho biết sàn giao dịch này cam kết tuân thủ quy định pháp luật bản địa. Tuy nhiên ông này từ chối ý tưởng về việc thiết lập trụ sở và cho rằng đây là một ý tưởng lạc hậu.

Giá bitcoin và các tài sản số khác đã tăng mạnh hồi đầu năm nay, thu hút sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới. Một tỷ lệ lớn giao dịch của nhà đầu tư được thực hiện thông qua sàn Binance.

Chỉ riêng trong tháng 5 năm nay tổng giá trị giao dịch trên sàn này đã lên tới 2.500 tỷ USD. Khi giá tiền điện tử lao dốc mạnh, sàn không có khả năng xử lý một khối lượng giao dịch khổng lồ và do đó dẫn tới phản ứng dữ dội từ người dùng.

Chính quyền Nhật Bản và Cayman Islands cho biết, Binance không có giấy phép hoạt động tại đây. Chính phủ Anh cũng cho hay chi nhánh tại Anh của Binance không được cấp phép cung cấp các dịch vụ tài chính nằm trong khung khổ luật pháp của nước này. Nhiều ngân hàng Anh không cho phép khách hàng chuyển tiền vào tài khoản Binance.

Tại Mỹ người dùng không truy cập trực tiếp vào trang web của Finance mà thông qua sàn Binance.US. Sàn này cho phép nhà đầu tư mua bán giao ngay các loại tiền điện tử. Do Binance.US không cung cấp sản phẩm phái sinh nên nó không cần phải đăng ký lấy giấy phép của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai của Hoa Kỳ.

Ông Zhao, 44 tuổi, nhà sáng lập Binance ở Trung Quốc. Vị kỹ sư lập trình người Canada gốc Hoa này tham gia giao dịch bitcoin sau khi được biết về nó ở một sòng poker. Forbes đánh giá tài sản của ông Zhao lên tới 1,9 tỷ USD.

Ông Zhao xây dựng Binance để hỗ trợ nhà đầu tư mua và bán tiền kỹ thuật số và sau đó là các sản phẩm tài chính cao cấp, bao gồm các sản phẩm tương lai - sản phẩm cho phép nhà đầu tư mua hoặc bán một loại tiền kỹ thuật số tại một thời điểm trong tương lai.

Để tăng sức hấp dẫn, sàn này cho phép nhà đầu tư sử dụng tỷ lệ đòn bẩy lên tới 125 lần đối với một số sản phẩm tương lai, có nghĩa là họ có thể đặt cọc 80 cent để mua 100 USD bitcoin hoặc một đồng tiền kỹ thuật số khác.

Nhà đầu tư đến từ khắp mọi nơi trên thế giới và trang web của Binance có tới hơn 30 ngôn ngữ.

Ngay sau khi thị trường sập hôm 19/5, một quản lý cấp cao của Binance có tên là Aaron Gong đã gửi một dòng tweet xin lỗi các nhà đầu tư và cam kết nhân viên của Binance sẽ liên lạc với những khách hàng bị ảnh hưởng. Dòng tweet này sau đó đã bị xóa đi.

Singhal cho biết một nhà đầu tư mà anh quen cho biết Binance đã gửi cho người này một mẫu biểu để người này điền thông tin nhận đền bù. Singhal đã điền và gửi mẫu biểu này tới Binance nhưng lại nhận được một phản hồi không mong muốn, đó là được nâng cấp quyền sử dụng nền tảng Binance lên cấp độ VIP. Thay vào đó Singhal phải từ bỏ việc kiện Binance. Anh này còn cho biết Binance dọa sẽ rút đề nghị này nếu Singhal cho công bố thông tin này.

“Tôi sẽ không bao giờ giao dịch nữa’, người kỹ sư phần mềm 24 tuổi này nói. “Tôi đã bị thiệt hại nặng nề”.

Cơ quan quản lý thị trường ở hầu hết các nước quản lý chặt chẽ hoạt động của các sàn giao dịch cổ phiếu và các loại chứng khoán khác. Họ thường bắt các công ty môi giới phải đền bù tổn thất cho nhà đầu tư khi hệ thống giao dịch bị sập, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Chẳng hạn như cơ quan quản lý thị trường Mỹ đã buộc Robinhood phải đền bù hơn 12 triệu USD cho hàng trăm khách hàng do tổn thất gây ra cho nhà đầu tư trong một phiên giao dịch hoảng loạn hồi tháng 3/2020.

“Nếu bạn giao dịch tiền điện tử, khung pháp lý để quản lý loại hình này hầu như không có”, Simon Treacy, một luật sư cao cấp của hãng luật Linklaters LLP tại London cho hay.

Theo điều khoản và điều kiện do Binance đưa ra, người sử dụng dịch vụ của nền tảng giao dịch này nếu muốn kiện thì phải đệ đơn lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hongkong. Đây là một bước rất tốn kém đối với các cá nhân.

Các nhà đầu tư tham gia nhóm chat trên ứng dụng Discord đã cùng nhau thuê hãng luật Latham & Watkins của Pháp để làm thủ tục kiện Binance. Luật sư tư vấn Aija Lejniece của hãng cho biết: “Binance làm như trên để gây khó khăn – không phải là không thể mà là khó khăn, cho khách hàng nhỏ lẻ”. Bà này hy vọng rằng việc các nhà đầu tư liên kết lại để thuê hãng luật kiện Binance có thể lấy lại được toàn bộ những gì đã mất nếu thắng kiện.

Kate Marie, một thành viên 59 tuổi của nhóm sống ở Sydney cho hay bà đã dành toàn bộ thời gian để giao dịch các hợp đồng tương lai tiền điện tử từ đầu năm 2020 sau khi doanh nghiệp của bà bị giải thể.

Sau khi nghiên cứu tài liệu và YouTube hướng dẫn giao dịch tiền điện tử, bà bắt đầu đầu tư 10.000 USD. Bà cảm thấy tự tin khi sử dụng nền tảng giao dịch Binance bởi vị thế vượt trội của nền tảng này trên thị trường cũng như quy mô toàn cầu của nó.

“Giao dịch tiền điện tử tạo cơ hội cho cả người giàu và người nghèo kiếm tiền”, bà Marie nói.

Thế rồi ngày 19/5 ập tới. Bà Marie cho biết giá của những đồng tiền điện tử mà bà nắm giữ cắm đầu lao dốc. Bà không thể đóng vị thế vì không thể truy cập tài khoản Binance của mình.

Bà cho biết mình đã từng chứng kiến sự đổ đèo của tiền điện tử trên quy mô khu vực tại nền tảng Binance, nhưng chưa bao giờ chứng kiến sự sụp đổ trên qui mô lớn, kéo dài, đến nỗi hầu hết tài sản của bà bị bán cưỡng bức để thu hồi nợ. Bà cho biết đã mất tới 170.000 USD trong ngày hôm đó.

Do cơ quan quản lý thị trường của nhiều nước ra lệnh cấm Binance, sàn giao dịch này đã chuyển hoạt động tới nơi khác. Hồi tháng trước Ủy ban Chứng khoán Ontario (Canada) đã yêu cầu Binance phải tuân thủ luật chứng khoán của quốc gia này. Vì thế Binance đã rút khỏi đây. Binance cũng đã điều thêm nhân viên để giải quyết những vấn đề pháp lý.

Fawaz Ahmed, một nhà đầu tư 33 tuổi sống ở Toronto, cho biết anh bắt đầu giao dịch tiền điện tử từ đầu năm 2020. Anh giao dịch hợp đồng tương lai coin trên nền tảng Binance. Anh kỳ vọng kiếm đủ tiền để bố mẹ có thể an hưởng tuổi già và giúp anh chị em học đại học. Ahmed sống chung nhà với cha mẹ mình.

Vào ngày 19/5 Ahmed có 1.250 đồng Ether, tại thời điểm đó có giá khoảng 3 triệu USD. Khi anh thấy giá Ether bắt đầu lao dốc anh truy cập vào ứng dụng để đóng vị thế, chấp nhận cắt lỗ và thoát khỏi thị trường. Tuy nhiên ứng dụng Binance trên điện thoại của anh không thể truy cập được. Anh cố gắng làm điều này trong vòng 1 giờ đồng hồ nhưng không được. Sau đó anh nhận được một thông báo cho biết toàn bộ tài sản của anh đã bị bán vì số lỗ đã vượt quá giá trị tài sản ký quỹ.

“Đó là thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi”, Ahmed cho biết và nói thêm, anh bị trầm cảm và ngồi lỳ trong nhà không ra ngoài. Anh cũng chưa cho bố mẹ mình biết anh đã mất hàng triệu đô la.

Huy Nguyễn
Theo Wall Street Journal

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục